4 địa điểm du lịch Sóc Trăng
Vội vã với cuộc sống tấp nập chốn thành thị ngày nay, nền du lịch sinh thái tại các miền quê sông nước đang ngày càng được lòng du khách gần xa. Tới điểm du lịch Sóc Trăng, du khách không chỉ được tham quan các công trình tôn giáo cổ kính mà còn được tham gia vào hoạt động chợ nổi một nét đặc trưng của miền quê sông nước.
1. Bảo tàng Khmer Sóc Trăng
Bảo tàng Khmer là bảo tàng lâu đời và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá Khmer nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Được xây dựng 1938, nhà trưng bày gồm 2 khu: Khu trưng bày hiên vật là nhà hội Xamacum và khu văn phòng mới được xây dựng. Trong bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật quý, phản ánh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer qua nhiều thế hệ như: trang phục, kiến trúc nhà ở, chùa, nhạc cụ…
Đến thăm Bảo tàng Khmer Sóc Trăng, du khách hiểu hơn về cộng đồng người Khmer – bộ phận cư dân quan trọng của tỉnh Sóc Trăng. Một trong những đặc điểm của người Khmer Nam Bộ là tập quán sinh sống thành phum sóc trên những giồng đất cao, xen kẽ với người Kinh và người Hoa từ nhiều thế hệ. Chính sự cộng cư đó đã giúp cho việc giao lưu văn hóa, sáng tạo nên những công cụ thiết yếu phục vụ đời sống gia đình và cộng đồng xã hội ngày thêm phong phú.
Đến nay, Bảo tàng Sóc Trăng sưu tầm hơn 13 ngàn hiện vật có giá trị, trên 50% hiện vật của đồng bào Khmer hiến tặng. Đến tham quan Bảo tàng tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy người Khmer có óc thẩm mỹ cao, biết mô phỏng thực tế cuộc sống để sáng tạo ra những nét đẹp văn hóa riêng, làm đẹp cho các vật dụng truyền thống gia đình đến những công cụ sản xuất phục vụ đời sống. Tuy không cách điệu, nhưng với những đường nét hoa văn uyển chuyển tinh tế đã thể hiện trình độ khéo tay của nghệ nhân trên từng sản phẩm, hiện vật bảo tồn.
Vị trí
Bảo tàng Khmer thuộc phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, nằm đối diện với chùa Khleang (số 53 đường Tôn Đức Thắng).
2. Khám phá cồn Mỹ Phước – Sóc Trăng
Cồn Mỹ Phước được hình thành cách đây khoảng 200 năm nhờ phù sa sông Hậu bồi đắp. Cồn Mỹ Phước còn được gọi là cồn Công Điền hay cồn Bùn từ xưa đã nổi tiếng với hồng xiêm, xoài, cam, quýt, nhãn. Người dân cồn Mỹ Phước đã tạo dựng những khu vườn sinh thái trồng cây ăn trái, làm nơi ăn nghỉ dành cho khách du lịch. Vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, cồn Mỹ Phước chào đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến vui chơi, thưởng thức trái cây đặc sản…
Đến với cồn Mỹ Phước vào bất cứ mùa nào, cây trái miệt cồn có sẵn đủ loại, mùa nào thì trái nấy thơm ngon phục vụ quý khách. Đặc biệt nơi đây du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã trong những khu vườn rợp bóng, bạn sẽ rất thích thú khi thưởng thức tô bún nước lèo Sóc Trăng, nhâm nhi ly rượu gạo nấu với cá lóc luộc hèm và xem biểu diễn chiên bánh xèo kỷ lục với đường kính lên đến 1m. Nhất là món cá ngác tươi roi rói nấu canh chua bần là đặc sản ăn một lần nhớ mãi của vùng quê thanh bình bên bờ sông Hậu diễm kiều với một màu xanh cây trái trải rộng làm ấm áp tình người.
Nếu cần một không khí sôi nổi vào mùa lễ hội bạn có thể tham gia vào các cuộc thi nấu ăn, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi đất, nhảy bao, bắt vịt trên cạn, kéo co, đẩy gậy. Trong những ngày hội “Sông nước miệt vườn” ở cồn Mỹ Phước đã diễn ra đêm công diễn liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ thu hút hàng ngàn người đến xem.
Người dân cồn Mỹ Phước rất hiếu khách, chân tình, cởi mở, chân chất vì thế mà khách và chủ thoải mái, vui vẻ, làm cho ai đã một lần ghé thăm không thể nào quên.
Vị trí
Cồn Mỹ Phước nằm tại ấp Mỹ Phước xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
3. Chợ nổi Ngã Năm – nét duyên sông nước Sóc Trăng
Nếu nói đến văn minh sông nước ở miền Tây thì không thể không nói đến chợ nổi. Đây là một đặc trưng của miệt vườn sông nước Cửu Long. Khách du lịch đã từng biết đến một số chợ nổi nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang hay chợ nổi Ngã Bảy ở Hậu Giang… thì một chợ nổi khác cũng có từ lâu đời mà ít ai biết đến. Đó chính là chợ nổi Ngã Năm.
Những ghe khóm, dưa, cá, ba khía, cải chua… tấp nập đổ về chợ từ tối hôm trước. Họ neo đậu ghe dọc theo bờ kè ven sông. Đến khoảng 8-9 giờ đêm, số lượng ghe hàng nhiều hơn. Họ đậu lấn ra giữa dòng và neo lại đó bắt đầu buôn bán. Không khí chợ búa thật sự tấp nập từ khoảng 4 giờ sáng đến tấm 7 – 8 giờ sáng thì thưa hẳn. Tiếng mái chèo khua nước, máy nổ chạy ghe và tiếng người trò chuyện, mặc cả như xé tan màn đêm, bắt đầu cho ngày mới với phiên chợ trên sông đầy thú vị.
Du khách chỉ cần xuống xuồng chèo thực hiện 1 chuyến đi một vòng chợ nổi. Những người chèo ghe và buôn bán trên sông rất thân thiện, bạn có thể tha hồ lên ghe hàng trò chuyện với chủ ghe hay quan sát cuộc ngã giá của người buôn kẻ bán. Lời ăn tiếng nói ở chợ nổi này vẫn đậm nét quê xưa, làm bâng khuâng lòng lữ khách.Từ xa, những cây bẹo treo lủng lẳng đủ loại nông sản, trông rất vui mắt. Những thứ củ quả khó treo, người bán chất thành đống cao ở mũi ghe. Hoàn toàn không biển hiệu, không tiếng rao. Cây bẹo trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả.
Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ ngày được cải thiện, một số thương lái đã chuyển sang hình thức họp chợ trên bờ. Mặc dù vậy chợ nổi vẫn hoạt động khá nhộn nhịp. Chợ nổi Ngã Năm hiện nay vẫn còn mang nét nông thôn bình dị nhưng hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây, chắc chắn đây là một điểm du lịch hấp dẫn để lại ấn tượng khó quên khi du khách tới đây.
Vị trí
Chợ nổi Ngã Năm nằm ngay trung tâm thị trấn Ngã Năm huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Chợ gồm năm nhánh sông hợp lại, 2 nhánh thuộc tuyến kênh quản lộ Phụng Hiệp, 1 nhánh nối với huyện Thạnh Trị – Sóc Trăng, 1 nhánh nối với huyện Long Mỹ – Hậu Giang, 1 nhánh nối với huyện Hồng Dân – Bạc Liêu.
4. Tham quan các ngôi chùa Sóc Trăng độc đáo
Sóc Trăng là vùng đất có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Vì thế không có gì lạ khi đặt chân đến Sóc Trăng, hầu như huyện, xã nào cũng có sự hiện diện những ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau, tạo nên quần thể kiến trúc đẹp mắt, linh thiêng và tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của vùng đất Sóc Trăng nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đã từ lâu rồi, một số ngôi chùa Sóc Trăng gần như là điểm đến không thể thiếu được của du khách gần xa mà bất cứ ai khi đến Sóc Trăng cũng phải ghé qua một lần.
Chùa Dơi (Mahatup)
Vị trí: Chùa tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố khoảng 2km.
Đây được xem là ngôi chùa đầu tiên để du khách đến tham quan. Tương truyền, chùa Mahatup (còn gọi là chùa Mã Tộc) được xây dựng vào thế kỷ XVI. Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chánh điện, sala và nhờ thờ cố lục cả Thạch Chia. Chùa có tôn trí pho tượng đức Phật cổ bằng đá cao 1,5m và nhiều bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt.
Chùa Khleang – Linh thiêng Sóc Trăng
Vị trí: Chùa toạ lạc ở số 53 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Ngôi chùa này được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất tỉnh Sóc Trăng, được hình thành cách nay khoảng 500 năm, gắn liền với những truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng. Chánh điện được xây dựng từ năm 1981, được thiết kế có 07 hàng cột ngang ở phía trước, mỗi hàng có 10 cây, trên trần và tường được vẽ nhiều hình ảnh, hoa văn, thể hiện sự hoà hợp giữa Phật pháp và hội hoạ.
Chùa Đất Sét – Ngôi chùa có những cây nén cháy nửa thế kỷ chưa hết
Vị trí: Chùa Đất Sét tọa lạc tại 286 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Ngôi chùa đã có hơn 200 năm tuổi với tên gọi Bửu Sơn Tự. Nhìn bề ngoài nó giống như các ngôi nhà dân khác. Gia đình họ Ngô lập am thờ này để tu tại gia qua nhiều đời, vì vậy chùa không có sư, chỉ có người trong gia đình quản lý. Bước vào bên trong, sau khi được giới thiệu tỷ mỷ ta mới cảm phục sức lao động bền bỉ, sáng tạo phi thường của ông Ngô Kim Tòng – người đã dồn hết sức lực trong suốt 42 năm ròng rã để tạo nên 1901 bức tượng Phật, trên 200 mẫu tượng thú, bảo tháp, lư hương… đều bằng đất sét.
Chùa Chén Kiểu (Sà Lôn) – Ngôi chùa được ốp từ hơn 9000 chén đĩa
Vị trí: Chùa nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng 12km, hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu.
Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những chén, dĩa sứ ốp lên tường trang trí nên có tên gọi là chùa Chén Kiểu. Đến với chùa Chén Kiểu, ấn tượng đầu tiên của du khách chính là hai con sư tử bằng đá ngồi trên một bệ cao trước cổng chùa, mặt hướng ra đường như bảo vệ ngôi chùa. Bên trong là chiếc cổng chùa với 3 ngôi tháp được chạm khắc, đắp nổi với hoa văn và sắc màu rực rỡ mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ.
Chùa La Hán
Vị trí: Chùa tọa lạc ở đường Cầu Đen, phường 8, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ở trung tâm thành phố để đến chùa, du khách đi theo đường Tôn Đức Thắng quẹo phải vào con hẻm nhỏ rộng khoảng 4 mét.
Chùa La Hán được xây dựng từ năm 1952 là 1 căn nhà lá, vách ván do người Hoa Triều Châu quản lý. Năm 1990, chùa được xây lại khang trang gồm 2 tầng: Tầng dưới thờ Phụng Thiên Hậu Nương Nương, Bạch hầu Công, Ôn Thần và chư Tiên Cô, Tiên Hữ. Tầng trên thờ phụng Phật Thích Ca, Thập Bát La Hán, Thái Thượng Lão Quân và chư Bồ Tát…
Nguồn:https://loca.vn/
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759