Hướng dẫn từ A-Z để viết một lời kêu gọi gây quỹ thành công
Nội dung hoạt động hay thông tin hoàn cảnh luôn là phần quan trọng nhất trong số các nội dung truyền thông của một chiến dịch gây quỹ, và cũng là phần khó viết nhất. Bài viết sau đây sẽ đưa ra một số lời khuyên và hướng dẫn để giúp các dự án cải thiện nội dung kêu gọi của mình.
Chuẩn bị trước khi viết:
Nghiên cứu hoạt động/hoàn cảnh (sau đây sẽ gọi tắt là dự án)
Trước khi viết, bạn cần dành thời gian tự nghiên cứu kỹ về dự án của mình. Nên nhớ việc bỏ tiền ra ủng hộ không bao giờ là một quyết định dễ dàng, vì thế cộng đồng cần cảm nhận được tính cấp thiết hoặc ý nghĩa của khoản tiền mà mình sẽ bỏ ra.
Hãy cố gắng trả lời các câu hỏi sau:
- Có vấn đề gì đang diễn ra? Thực trạng của vấn đề và ảnh hưởng của nó?
- Tại sao dự án này lại cần phải được thực hiện? Tiền sẽ được dùng để làm gì? Đấy có phải là một cách tiêu tiền hiệu quả?
- Điều tốt đẹp gì sẽ diễn ra nếu dự án thành công? Nếu không thì sao, có điều gì tồi tệ sẽ xảy ra không?
- Mục tiêu của việc nghiên cứu này là tìm ra một câu chuyện để kể về dự án của bạn. Nếu giả sử phải biến dự án của bạn thành một câu chuyện để kể cho trẻ em, bạn sẽ kể như thế nào?
Nghiên cứu độc giả và kênh truyền tải
Độc giả sẽ là những nhà tài trợ tiềm năng của dự án hoặc ít nhất sẽ là những người lan tỏa thông điệp của bạn.
Vì vậy, bạn cần dự đoán xem ai sẽ đọc những nội dung này (có thể là bạn bè của bạn trên Facebook, đồng nghiệp, hay là những người xa lạ nào đó?).
Tùy theo độc giả mà bạn phải sử dụng văn phong phù hợp. Nếu là các bạn trẻ, nội dung nên nhẹ nhàng, thân thiện, tươi sáng. Nếu là các độc giả lớn tuổi, bạn có thể sử dụng các từ ngữ gợi mở cảm xúc mạnh mẽ hơn, cảm động hơn.
Bạn cũng nên nghiên cứu kênh đăng tải thông tin. Bài viết đăng trên báo hoặc web có thể khá dài mà không làm mỏi mắt người đọc, vì thế hợp để mô tả chi tiết về dự án. Trong khi đó các nội dung trên Facebook nên ngắn gọn hơn, hợp để viết các lời kêu gọi hoặc cập nhật tình hình.
Nên nhớ, đối với các hoạt động gây quỹ thì các nội dung quá ngắn thường không đủ thuyết phục và hiệu quả bằng các nội dung dài. Tất nhiên, bạn không nên cố tìm cách bôi dài nội dung kêu gọi, nhưng phải đủ dài để kể một câu chuyện cảm hứng về dự án của bạn. Khó có ai có thể bỏ ra một số tiền và công sức chỉ cho 1 dự án chỉ với vài dòng giới thiệu (trừ khi bạn là 1 thần tượng).
Lời khuyên: Hãy tạo ra một trang web gây quỹ cho riêng bạn để trình bày nội dung kêu gọi bằng các công cụ như WordPress, Wix nếu bạn có chút khả năng tin học, hoặc sử dụng các nền tảng gây quỹ chuyên nghiệp như Kindmate.net.
Viết bài:
Thông thường, cách tốt nhất để lan tỏa dự án là có một bài viết chuẩn đủ dài để giới thiệu về dự án đăng trên website, hoặc ít nhất là Note trên Facebook. Kèm theo đó là các status kêu gọi từ các thành viên khác trong nhóm và người ủng hộ. Nội dung của bài viết gốc phải đầy đủ các thông tin về dự án, cách thức sử dụng tiền, thông tin về tổ chức/cá nhân đứng ra kêu gọi gây quỹ, phương thức ủng hộ. Trong khi các bài viết khác chỉ cần tập trung vào lời kêu gọi và cập nhật tình hình của dự án.
Cấu trúc 5 phần của lời kêu gọi
Sau đây là cách viết copywriting tiêu chuẩn trong ngành marketing, được giới thiệu bởi Victor O.Schwab trong cuốn “Nghệ thuật viết quảng cáo”, và cũng được các tổ chức phi lợi nhuận áp dụng rất hiệu quả trong các chiến dịch gây quỹ. Bạn nên thử đọc các nội dung gây quỹ hiệu quả để đối chiếu với lý thuyết này để tham khảo.
Phần 1- Tiêu đề: Thu hút sự chú ý
Tiêu đề rất quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của người đọc, bên cạnh đó là hình ảnh minh họa tương xứng. Người đọc ngày nay lúc nào cũng rất bận rộn, chắc chắn là bạn không muốn bài viết công phu của bạn lại chẳng được ngó ngàng đến phải không! Nên hãy cố gẵng nghĩ ra một tiêu đề hấp dẫn.
Ngay cả các bài viết trên Facebook cũng cần phải có tiêu đề. Với các dự án đã có tên riêng, bạn nên đặt thêm tiêu đề phụ. Nên nhớ rằng tiêu đề không nhất thiết phải quá trang trọng. Một tiêu đề hay phải đáp ứng được tiêu chí “Đọc nó dễ hơn bỏ qua nó”. Hãy tham khảo các tiêu đề trên báo. Dưới đây là một vài tiêu đề tham khảo dành cho bạn từ các quỹ hoặc hoạt động đã diễn ra:
Dự án xây trường
- Xót xa trẻ mầm non phải học trong nhà bếp, ngủ cạnh chuồng trâu
- Dự án xây cầu:
- “ Xây cầu – Xây những ước mơ”
- Hoàn cảnh khó khăn:
- Xót xa hai chị gái phải bỏ học kiếm tiền phụ bố mẹ cứu em trai bị ung thư máu
- Mùa lạnh đã về! Nhiều nhiều em bé vùng cao đang cần giúp đỡ!
- Trên núi đã lạnh lắm rồi, và mọi thứ đương nhiên sẽ khắc nghiệt hơn!
- Hoạt động khác
- [Fun Run 2016] Cuộc chạy bộ của những trái tim thiện nguyện
- Khỏe để leo núi – Anh có bóng đá – Em có cơm Thịt
Phần 2 – Mở đầu: Nhấn mạnh vào cảm xúc của người đọc
Có nhiều cách mở đầu, cách phổ biến nhất là kể thẳng câu chuyện về hoàn cảnh, về vấn đề hoặc khó khăn mà dự án sẽ giúp đỡ giải quyết. Ví dụ như nếu bạn đang gây quỹ cho một sân chơi trẻ em, hay một thư viện ở vùng cao, thì bạn cần kể về những khó khăn do việc thiếu sách hay thiếu sân chơi. Không nên dành quá nhiều thời gian cho những mô tả mang tính số liệu cứng nhắc (ví dụ diện tích, dân số, địa điểm) hoặc chung chung.
Điều người đọc mong đợi là những câu chuyện cụ thể, về những nhân vật cụ thể. Ví dụ thay vì nói “đời sống các em rất khó khăn”, hay tập trung mô tả rằng các em ăn mặc thế nào, bữa cơm có gì, nhà vệ sinh ra sao.
Một cách mở đầu lời kêu gọi khác là bằng trải nghiệm cá nhân của người viết, phù hợp với các dự án gây quỹ do cá nhân đứng ra. Bạn có thể kể về cảm xúc của bạn khi thực hiện dự án là gì, tại sao điều này quan trọng với bạn, những điều bạn đã chứng kiến khiến bạn phải thôi thúc hành động ra sao.
Không nên mở đầu bằng việc chia sẻ thẳng về hoạt động của bạn sẽ làm, cách tiêu tiền ra sao. Bạn sẽ chia sẻ những thứ đó vào phần sau, sau khi độc giả đã bị cuốn hút vào câu chuyện mà bạn kể.
Phần 3 – Chứng minh: Đưa ra kế hoạch hành động của bạn
Hãy nói ngắn gọn và rõ ràng cách mà mình sẽ sử dụng số tiền, ví dụ như ngôi trường mà bạn sẽ xây trông như thế nào, hay bạn sẽ giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn ra sao. Hãy nhớ rằng người đọc không phải là các nhà chuyên môn và cũng không có nhiều thời gian, vì thế hãy viết như thể bạn đang nói chuyện với một người bạn của mình vậy. Nếu muốn mình bạch thông tin, bạn có thể dẫn kèm theo đường link của các thiết kế, kế hoạch chi tiết.
Bạn cũng có thể tăng niềm tin cho người đọc bằng việc chia sẻ về bản thân hay tổ chức của bạn, các dự án hoặc kinh nghiệm bạn đã làm, người nổi tiếng đã tham gia …
Phần 4 – Lời kêu gọi cuối – Cảm xúc của người đọc
Trước khi trình bày về phương thức ủng hộ, hãy dùng những dòng cuối để chia sẻ cảm nghĩ, hoặc thông điệp của bạn. Người đọc sẽ được gì (vui hơn, ấm áp hơn), dự án này có thể mang lại niềm vui gì cho họ (hay cho bạn).
Thực tế, đây là một trong những phần quan trọng nhất của bài viết và thường bị bỏ qua. Bạn cần suy nghĩ về thông điệp và cảm xúc mà bạn muốn lan tỏa cho người đọc.
Phần 5 – Thúc đây hành động: Phương thức đóng góp
Đây là phần không thể thiểu với các phương pháp gây quỹ truyền thống, bạn cần nêu danh sách tài khoản hay các phương thức ủng hộ, địa chỉ nhận đóng góp. Với các dự án có quà tặng, bạn phải liệt kê ra các quà tặng dành cho người ủng hộ.
Với các bài viết trên Facebook, bạn cần copy lại thông tin này trong mỗi bài viết, hoặc là đường link của bài viết gốc
Lời khuyên: Với các website gây quỹ hiện đại, phần này sẽ được thay thế bằng nút ủng hộ. Và bạn chỉ cần chia sẻ lại link của website mỗi lần thực hiện cập nhật
Nguồn: Kindmate.net
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759