Du lịch Quảng BìnhTin du lịch

“Đường sắt trên cao” chạy xuyên biên giới Việt – Lào có từ thời Pháp tại Quảng Bình

Share

Trụ cầu, hầm, gò đê cao hay cái mâm nhôm… là những dấu tích cuối cùng của tuyến ‘đường sắt trên không”, do Pháp xây dựng ở vùng núi phía tây Quảng Bình.

Có thể bạn quan tâm:

Xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) còn sót lại nhiều dấu tích của công trình “đường sắt trên không” do Pháp xây dựng nhằm phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa. Trong ảnh là những trụ cầu ở khu vực Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, người dân hay gọi là Cầu Trập.

 


Du lịch, cho thuê xe tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://viettraveler.com.vn


 

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1918), người Pháp mở rộng công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Bấy giờ, một tuyến đường sắt được xây dựng ở vùng rừng núi miền tây Quảng Bình nhằm vận chuyển sản vật khai thác từ Lào, đưa ra biển.

 

Do địa hình đồi núi nên nhiều đoạn đường sắt xây dựng trên các cột trụ có độ cao hàng chục mét. Một số đoạn sử dụng cáp treo để vận chuyển các toa tàu nên được gọi là “đường sắt trên không”, hay “không trung thiết lộ”. Một số trụ cầu hiện có thể được nhìn thấy khi đi dọc quốc lộ 12A.

 

Tuyến đường sắt được xây dựng vào năm 1929 và hoàn thành sau 5 năm, bắt đầu ở ga Tân Ấp (huyện Tuyên Hóa) và kết thúc ở huyện Khăm Muộn (Lào). Hiện có nhiều con số về chiều dài tuyến đường, nhưng ước khoảng 60 km.
Tuyến đường được xây dựng với nhiều hầm xẻ qua núi. Hầm Thanh Lạng được xây dựng với chiều dài 500 m, cao 5 m, rộng 6 m vẫn còn rất kiên cố cho đến nay.
Thành hầm dày hàng chục cm nhưng không có sắt thép bên trong. Sau nhiều năm không sử dụng, hầm nay bị dột, nước rỉ từ ngầm đá xuống nhỏ tí tách. Dù vậy, hầm Thanh Lạng vẫn được người dân đi lại hàng ngày để canh tác.
Cụ ông Hoàng Cho (xã Thanh Hóa) 83 tuổi nhớ rất rõ hình ảnh về tuyến đường sắt độc đáo trong ký ức. Cha đẻ cụ Chu là phu làm đường sắt cho Pháp. Bấy giờ, Pháp chỉ chọn dân phu khỏe mạnh, nhanh nhẹn, phần lớn là người Hà Tĩnh vào. “Đục hầm Thanh Lạng, Cà Tang, sập chết rất nhiều người. Phu làm cả ngày mà công rẻ mạt, được trả 8 lon gạo, nhỏ hơn lon sữa bò ngày nay”, cụ Cho nhớ lại.
Cụ Cho kể những đoàn tàu dài hàng chục toa với hai màu xanh và đen đi lại hàng ngày. “Tàu to, cao, dài và sàn lát nhôm, chở gạo từ đồng bằng lên, rồi chở hàng bên Lào về. Lúc đầu tôi nghĩ là cát, sau mới biết chở vàng sa khoáng”, cụ Cho nhớ lại.
Cụ Cho không ít lần đi trên tàu này, từ ga Thanh Lạng ở gần nhà lên ga Xóm Cục. “Thời chống Pháp, du kích không ít lần phá đường sắt này, từ ga Lâm Hóa về Thanh Lạng. Tôi còn nhớ có lần 20 đầu máy xe lửa bị kẹt ở Lào vì đường bị phá”, cụ Cho nói.

 

Đến những năm chống Mỹ, quân dân dùng goòng để chuyển lương thực, súng ống trên tuyến đường sắt này. “Hai người ở 2 bên đẩy một xe goòng. Khi xuống dốc thì nhảy lên, dùng chân đạp vào phanh cao su tự chế để hãm goòng, còn lên dốc thì gò lưng, cong mông đẩy”, cụ Cho tếu táo kể.
Cũng ở gần ga Thanh Lạng, ông Nguyễn Văn Hiến (61 tuổi) cho hay, vào năm 1963 còn đi xe goòng về Đồng Lê cách nhà khoảng 30 km. “Một năm sau, chiến tranh phá hoại nên tuyến đường sắt bị Mỹ ném bom, chia cắt và ngừng hoạt động từ đó”, ông Hiến kể lại.
Hòa bình lập lại, tuyến đường bị cây rừng phủ lấp. Một đoạn đường được đắp cao, nay vẫn còn lởm chởm đá ở khu vực Bắc Sơn (xã Thanh Hóa) được ngành điện lực tận dụng dựng trụ điện tránh lũ. Cũng tuyến này nhưng đoạn đi qua thôn 5, dài khoảng 700 m được người dân làm đường bê tông.

Nhiều đoàn tàu bị đốt phá, cụ Cho tháo dỡ sàn tàu bằng nhôm về làm dụng cụ sinh hoạt như mâm, chảo, xoong, lò… Chiến tranh liên miên khiến nhiều vật dụng bị hư hỏng. Hiện, gia đình cụ vẫn lưu giữ một mâm nhôm làm từ những đoàn tàu này. Mâm rộng khoảng 60 cm, mặt sau lấm chấm nhiều lỗ bằng đầu đũa mà theo cụ Cho là bị bom bi bắn trúng.

Ông Thái Bình Ngọc, Phó chủ tịch xã Thanh Hóa cho biết trên địa bàn có nhiều dấu tích, nhưng hiện chưa có quy hoạch với các trụ cầu, hầm này. Riêng hầm Thanh Lạng vẫn được xã dùng cho hoạt động diễn tập quân sự hàng năm.

Hoàng Táo | https://vnexpress.net/photo/thoi-su/dau-tich-duong-sat-xuyen-bien-gioi-thoi-phap-o-quang-binh-3347242.html


Ảnh tư liệu:

Hệ thống đường sắt trên cao từ Quảng Bình qua Lào: Từ Ga Tân Ấp đến Ga Xóm Cục tàu chạy đường ray. Từ Xóm Cục chạy qua biên giới Lào sử dụng cáp treo để băng rừng núi hiểm trở. Sáng tạo này làm chúng ta nhớ đến đường sắt răng cưa người Pháp xây dựng tại Đà Lạt.

Kết nối cáp treo và đường sắt tại Ga Xóm Cục – Ảnh: Tư liệu
Hệ thống cáp treo vận chuyển người và hàng hóa cùng thời tại Châu Âu – Ảnh: Tư liệu

Nguồn: LavangTravel.com


Đường sắt trên không ở VN

85 năm đã trôi qua nhưng vết tích tuyến “đường sắt trên không” cùng căn hầm đặc biệt của nó vẫn sừng sững nơi đất lửa Quảng Bình.

Từ trung tâm thị trấn Đồng Lê, chạy xe dọc theo quốc lộ 15 chừng 40 phút sẽ tới thôn Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Nơi đây in dấu vết tích tuyến đường sắt trên không (không trung thiết lộ) và hầm Thanh Lạng độc đáo, hiếm thấy một thời.

Nhân chứng sống hiếm hoi

Sau chiến tranh Thế giới lần thứ I (1918), thực dân Pháp mở cuộc đại tu, xây dựng các tuyến đường sắt chiến lược mới ở Việt Nam nhằm hoàn thành hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương để phục vụ chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai (1918-1939). Pháp đặc biệt chú ý đến nguồn tài nguyên phong phú của vùng Trung Lào, sát Việt Nam. Vì thế một tuyến đường sắt trên không từ ga Tân Ấp (Tuyên Hóa) sang Banaphào (Lào) dài 59 km được gấp rút xây dựng.

“Việc triển khai loại hình giao thông đường sắt vào Việt Nam thời Pháp thuộc ban đầu chỉ phục vụ cho quyền lợi thực dân, tức là phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa nhưng sau này đã tạo ra thuận lợi rất lớn và quan trọng về mặt kinh tế, văn hóa-xã hội, thông thương giữa các vùng miền của ta” – cụ Nguyễn Viên (97 tuổi, ở thôn Thanh Lạng, một trong những nhân chứng hiếm hoi chứng kiến việc thi công tuyến đường sắt trên) cho biết.

Cụ Viên kể thêm, ban đầu Pháp chủ trương xây một tuyến đường bộ dài hơn 65 km, xuất phát từ ga Tân Ấp nối đường 12 xuyên qua rừng rậm nhằm tiếp cận Trung Lào. Nhưng khi đưa vào khai thác thấy ít hiệu quả nên để thuận tiện hơn và tăng số lượng vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam, Pháp quyết định mở thêm tuyến đường sắt trên không bằng cáp treo từ Tân Ấp – Banaphào.

Ngày nay, đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận xã Thanh Hóa, cách cầu Ca Tang chừng 100 m bạn sẽ thấy những cột trụ bê tông phủ đầy rêu xanh hiên ngang sừng sững giữa trời. Đi tiếp vào thôn Thanh Lạng, bạn sẽ bắt gặp hầm đường sắt xuyên núi dài 500 m nằm lặng yên dưới cánh rừng, bên con suối nhỏ ngày đêm rì rào lời ru của đại ngàn.

Những vết tích hiếm hoi ấy tồn tại giữa cánh rừng nguyên sơ, với sứ mệnh chứng minh cho một thời vàng son của tuyến đường sắt trên không ở đất Quảng Bình. Mảnh đất khúc ruột miền Trung này chính là chặng cuối con đường vận chuyển từ miền Bắc của quân ta trước khi vào chiến trường miền Nam, cũng là chặng đầu của tuyến đường quốc tế qua Lào và Campuchia.

Máu và nước mắt những người mở đường

Sinh năm 1917, đã vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Nguyễn Viên vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Ký ức những ngày tháng chứng kiến việc Pháp mở “không trung thiết lộ” và hầm Thanh Lạng vẫn còn in đậm trong tâm trí cụ.

Theo cụ Viên, thời điểm Pháp bắt đầu làm đường sắt trên không sang Lào là vào năm 1929. Để hoàn thành tuyến đường sắt dài 59 km này, Pháp đã điều động, đốc thúc một lực lượng lớn nhân công Việt Nam. Công trình kéo dài năm năm (1929-1933) mới hoàn tất và đưa vào sử dụng.

Quãng thời gian ấy, không ít người đã bỏ mạng vì đói, kiệt sức và vì những tai nạn lao động không may xảy ra. Máu và mồ hôi, nước mắt chan chung trong lòng đất. Phần lớn các công đoạn xây dựng đều dùng sức người là chính, đến những đoạn cần thiết và trọng yếu thì các kỹ sư người Pháp mới cho nổ mìn phá núi, mở đường.

Trên công trường ngổn ngang giữa rừng thiêng nước độc, hàng trăm người thay phiên nhau đào, xúc đất bằng cuốc, xẻng, quang gánh thô sơ. Cậu bé Viên bấy giờ 15 tuổi, ngày nào tan học sớm cũng tranh thủ theo mẹ đi bán bánh trái, thuốc, trà cho thợ xây hầm. Đất Thanh Lạng của huyện Tuyên Hóa khi ấy còn hoang vắng, chỉ lưa thưa vài nóc nhà. Việc Pháp mở đường sắt, hầm khiến nơi này nhộn nhịp hẳn lên. “Đa số nhân công là phu Hà Tĩnh vào làm, một số ít là người địa phương từ các huyện lân cận như Minh Hóa, Quảng Trạch (Quảng Bình). Phu ăn bữa đói bữa no, lắm lúc phải đào củ mài nhai sống cầm hơi mới có sức gánh đất. Lại thêm khí hậu khắc nghiệt, điều kiện vệ sinh, y tế thiếu thốn, tai nạn đá lở khi nổ mìn… nên không ít người đã vĩnh viễn nằm lại nơi này” – cụ Viên trầm ngâm.

Để không ai lãng quên

Thời kỳ chiến tranh, Quảng Bình là nơi khởi điểm của tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Với khẩu hiệu: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến! Tất cả vì sự sống của con đường…”, quân dân Quảng Bình đã góp hàng triệu ngày công đào hầm, làm trận địa chiến đấu, chi viện cho chiến trường. Hầm Thanh Lạng được sử dụng làm kho hàng cất giữ lương thực, hàng hóa của bộ đội ta trên tuyến hành lang vận tải chiến lược Đông – Tây Trường Sơn. Hầm cũng là nơi trú ẩn của người dân mỗi khi máy bay Mỹ ném bom. Chính trong hầm Thanh Lạng, bộ đội ta đã tổ chức hướng dẫn dân quân và lực lượng tự vệ các kỹ năng chữa đường, cứu xe, gỡ bom nổ chậm, các điểm theo dõi và báo động phòng không…

Sau chiến tranh, hầu hết sắt thép trên tuyến đường sắt trên không bị gỡ bỏ, chỉ còn lại mấy trụ cầu và hầm xuyên núi còn khá nguyên vẹn. Đến nay, nhân dân quanh vùng vẫn đi lại, vận chuyển hàng hóa qua con đường hầm này vì nhu cầu cuộc sống.

Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Tiêu chí để các đối tượng được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa phải là những di tích – di chỉ có liên quan đến sự phát triển lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự phát triển văn hóa xã hội Việt Nam hoặc những công trình kiến trúc điêu khắc, tác phẩm nghệ thuật, tài liệu lưu trữ… có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của dân tộc. Nếu tìm hiểu về lịch sử phát triển ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, có thể lấy tuyến đường sắt trên làm tư liệu nghiên cứu sẽ hợp lý hơn”.

Vẫn biết thế nhưng thiết nghĩ một tấm bia hay biển chỉ dẫn gắn trên mố cầu, trước cửa miệng hầm là sự ghi nhớ nên có. Bởi chúng là nhân chứng của thời kỳ ông cha ta phải chịu ách nô lệ, thuộc địa. Và cũng để khẳng định Tổ quốc không bao giờ quên những người con của mình đã vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường sắt có một không hai này. 

“Vang bóng một thời”

Vượt bao khó khăn và hiểm nguy, các kỹ sư người Pháp cùng lực lượng công nhân, phu phen Việt Nam đã làm nên điều thần kỳ dưới chân núi Giăng Màn hùng vĩ. Năm 1933, tuyến đường sắt trên không hoàn thành, gồm hệ thống trụ đỡ bằng bê tông rắn chắc cao 12 m, dài 59 km và cáp treo, trục quay dây tời. Lộ trình: Ô tô cải tiến gắn bánh sắt chạy trên đường ray sẽ xuất phát tại ga trên bộ trước. Từ điểm đầu tiên là ga Tân Ấp – ga Thanh Lạng – ga Cha Mác (Xóm Cục) – đến ga Lâm Hóa. Từ ga Lâm Hóa, cáp treo sẽ chuyển các thùng goòng hàng từ đường sắt trên bộ lên cáp treo hai chiều đi tiếp đến ga La Trọng – ga Bãi Dinh và tiếp tục sang Lào.

Hầm Thanh Lạng được xây dựng với chiều dài 500 m, chiều cao 5 m, rộng 6 m, thành hầm được đổ bê tông dày tới 50 cm. Sử sách không thấy ước lượng con số người tham gia thi công, chỉ biết rằng nhiều lắm. Trong tùy bút Đường huyện Tuyên, tác giả Lê Khai đã viết: “Có những người bước chân vào thùng, mắt đăm đăm nhìn về quê mẹ xa xa, mặt thờ thẫn như người sắp chết, rồi bỗng nấc lên, nước mắt chảy ròng ròng. Không biết bao nhiêu mạng người bị điện tắc phải treo lủng lẳng giữa tầng không, nuốt toàn không khí lạnh cho đến khi các thùng sắt đổ xuống các ga Nhám, Cha Mác, Banaphào thì đã trở thành người chết cứng. Đó là chưa kể cái nạn dây cáp bị vướng, móc thùng bật ra nhào xuống vực sâu…”.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, tuyến đường sắt trên bị phá hủy để ngăn chặn sự di chuyển, tiếp viện của binh lính Pháp từ Việt Nam qua Lào, việc vận hành của tuyến đường sắt cũng chấm dứt từ đó.

HÀ PHƯƠNG | http://plo.vn/ho-so-phong-su/duong-sat-tren-khong-o-vn-500555.html

Other

 


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays