Du lịch HuếĐiểm đến miền Trung

Chùa Diệu Đế

Share

Chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi Quốc tự dưới triều Nguyễn còn lại trên mảnh đất Huế. Sự biến thiên của lịch sử đã lấy đi ít nhiều vẻ hoành tráng của ngôi tự này nhưng vị trí và vai trò của ngôi cổ Tự vẫn không hề thay đổi. Diệu Đế là một ngôi quốc tự nên từ thuở thành lập chùa các vua nhà Nguyễn đã sắc cử các vị thiền sư uyên thâm Phật pháp làm tăng cang và trụ trì chùa.

Vào đầu thế kỷ thứ XIX, ở phía Đông kinh thành có một khu vườn rất đẹp và nổi tiếng, cảnh vườn thơ mộng, các kiến trúc đan xen với thiên nhiên làm cho nơi đây thật hữu tình. Vườn thuộc ấp Xuân Lộc, làng Du Ninh, là nơi Hoàng tử Miên Tông, con vua Minh Mạng, đã ra đời vào năm Đinh Mão (1807). Sau này thành lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị.
Sau khi lên ngôi, năm 1844 nhà Vua đã biến đổi nơi ở của mình thành một ngôi chùa và đặt tên là Diệu Đế Tự.
Sở dĩ chùa có tên là Diệu Đế là vì nhà Vua muốn vừa làm nơi bảo vệ cho kinh thành vừa trấn tĩnh những người lầm đường lạc lối trở về với điều thiện. Khi xưa chùa có kiến trúc rất khác so với bây giờ. Cảnh chùa lúc này rất huy hoàng tráng lệ, chùa còn có một bảo tháp làm bằng ngà cao khoảng 1m đặt trước chính điện nhưng đến năm 1968 thì bị bom phá hủy mất.
Khi cho dựng chùa trên nơi từng là tiềm để của vua nên kiến trúc chùa không giống với bất cứ chùa nào lúc bấy giờ, chùa có nhiều lớp tường bao bọc, phía ngoài có nhiều trụ biểu đánh dấu chùa. Trải qua các biến cố lịch sử như vụ kinh đô thất thủ năm 1882 và năm 1885 chùa Giác Hoàng trong kinh thành bị triệt bỏ thì chùa cũng nằm chung số phận đó. Hầu như những kiến trúc trong chùa đều bị phá hủy, cảnh chùa tan thương đến nao lòng, đây là số phận chung của các ngôi chùa khi mà đất nước lâm vào tay giặc.
Đến năm 1910 thời vua Duy Tân, đã cho kiến thiết lại hoàn toàn chùa, chùa không còn các vách ngăn giữa các khu vực nữa, cũng không còn các trụ biểu, nguyên xưa kia trước chùa có ba cái bến thì nay chỉ còn một.
Bước qua tam quan chùa bên trái là Chung đình, bên phải là Bi đình rồi sau đó qua cửa Trung đạo của phần tường ngang ta sẽ bắt gặp hai ngôi nhà Lôi gia đối nhau để thờ Bát Bô Kim Cương, vẫn theo lối này ta sẽ đến với Điện Đại giác, sau điện có một Tăng xá và một Trù gia.
Đến năm 1950 thì chùa lại được đại trùng tu một lần nữa, dưới sự giúp đỡ cùa các Phật tử thì Hòa Thượng Diệu Hoằng đã đại tu chùa, đồ án hai nhà lôi gia đã bị phá bỏ các bộ tượng Kim Cương được đem vào thờ hai bên tả hữu trong điện Đại Hùng, còn hai nhà lôi gia thì xây mặt quây ra cổng chùa.
Điện Đại Giác thì được xây dựng lại với tiền đường, bên trái đặt cái chuông lớn, còn bên phải thì đặt trống nhưng hiện nay không còn.
Bên trong điện được thiết trí như sau: bàn thờ chính giữa có hai tầng, tầng trên dùng để tôn trí các pho tượng Tam Thế Phật. Án dưới dành để thờ Thần vị của vua Thiệu Trị, Thần vị này được sơn son thiếp vàng và chạm lưỡng Long triều nguyệt. Bên phải và bên trái thờ Ngài Văn Thù và  Phổ Hiền. Trên hai bên vách là những pho tượng của các vị A la hán. Trong một phòng ở phía sau thì có thiết trí một bàn thờ để thờ Tổ đầu tiên cùa chùa. Tại điện này vào thời Thành Thái-Duy Tân không phải chỉ có những tượng Phật riêng của chùa Diệu Đế, mà còn có các tượng của chùa Giác Hoàng, của Đạo Nguyên Các, của Trí Huệ tinh xá và của Cát Tường từ thất đem vào tôn trí, cho nên có tất cả 53 án thờ.
Hiện nay trong chùa chính giữa còn có các tượng Tam Thế với sắc vàng cháy của nước vàng thếp ngày xưa còn lại. Và có một pho tượng của ngài A-Nan, một tượng của ngài Ca-Diếp, và đặc biệt là pho tượng Chuẩn Đề có nhiều tay rất mỹ thuật. Phía trái có ba tượng Phật, ba tượng Thánh, phía phải còn có năm tượng Phật, tượng Đức Di-Lặc thờ ở giữa. Sát vách bên trái còn có khám thờ vua Thiệu Trị và một vài công chúa, hoàng tử con vua, phía phải còn có khám thờ chư linh.
Sau Đại Giác Điện, hai bên tả hữu rất cân đối, có hai nhà Tăng Xá, rồi hai trù gia tức là hai nhà bếp. Cạnh hai trù gia xích vào trong có hai cái giếng. Có lẽ là cái giếng phía trái, nước rất trong mà chùa Diệu Đế đang dùng hiện nay là một trong hai cái giếng ngày xưa còn lại.Tất cả các lối đi từ sở này sang sở khác đều được lát bằng gạch Bát Tràng…
Chùa Diệu Đế trãi qua thăng trầm của lịch sử, từng huy hoàng, cũng từng suy vong theo thời cuộc, nhưng chùa vẫn đứng vững với thời gian, vẫn là nơi lui tới cho những người con Phật. Ngày nay chùa đang được trùng tu tuy chưa lấy lại được vẻ huy hoàng xưa nhưng cũng xứng đáng là một nơi để tham quan vãng cảnh.
Nguồn:Sưu tầm


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays