Cộng đồng cần hiểu đúng giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng giống như các tín ngưỡng khác, tất cả các nghi lễ đều phải diễn ra trong không gian thiêng của tín ngưỡng đó. Không phải ở đâu cũng có thể thực hiện nghi thức thực hành Tín ngưỡng này.
Với vai trò Trưởng ban xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS.TS Nguyễn Chí Bền- Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã khẳng định như vậy.
+ Thưa GS.TS Nguyễn Chí Bền, cùng với niềm vui đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại , dư luận cũng bày tỏ băn khoăn về sự “nở rộ” của hoạt động hầu đồng như chùa nào cũng có thể thực hiện hầu đồng. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
– Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng giống như các tín ngưỡng khác, tất cả các nghi lễ đều phải diễn ra trong không gian thiêng của tín ngưỡng đó. Ví dụ như đình chẳng hạn, không gian riêng là ở bên trong và thường là phụ nữ không được vào, bên ngoài là trải chiếu diễn văn nghệ để hát. Vậy nên ngày xưa các cụ mới gọi đó là “chiếu chèo sân đình”.
Với Tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi không ủng hộ việc thực hiện hầu đồng ở bất cứ chùa nào, nơi nào có ban thờ Mẫu. Ví dụ như có dư luận về việc hầu đồng ở đền thờ Hai Bà Trưng, chùa Một Cột… Tôi không đồng tình. Không phải có ban thờ Mẫu thì sẽ được hầu đồng, bởi những không gian như vậy ít nhất phải được mọi người công nhận, hay gọi theo ngôn ngữ phổ thông là được “mở cửa phủ” thì mới có thể hầu đồng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt đầu từ thế kỷ 16, vậy nên những di tích như Chùa Một Cột được xây dựng từ thế kỷ thứ 10 vào thời nhà Lý không thể xây dựng ban thờ Mẫu vào chùa được. Thế nhưng, chùa Huy Văn có gian “tiền phật hậu mẫu”, những nơi như này thì có thể thờ Mẫu được với điều kiện những người ấy đã qua tất cả những nghi thức của người thực thi tín ngưỡng thờ Mẫu. Với tư cách là người nghiên cứu, tôi cũng không ủng hộ việc đưa ban thờ Mẫu vào đền thờ Hai Bà Trưng.
+ Vậy, sự “nở rộ” hoạt động hầu đồng có đe dọa sự biến tướng của di sản này không, thưa GS?
– Với tư cách trưởng ban xây dựng hồ sơ này, tôi xác định, di sản sẽ biến tướng nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị, nếu các nhà quản lý không kiên quyết và nếu các nhà khoa học không bắt tay cùng nhà quản lý.
Tôi không ủng hộ việc hầu đồng ở bất cứ chỗ nào. Và tin rằng, bản thân các ông, bà đồng đều ý thức, nếu không trong không gian thiêng thì người ta không thực hiện tín ngưỡng. Tuy vậy, theo tôi, việc mà chúng ta phải làm đó là tổ chức sinh hoạt cho chính bản thân các ông đồng bà đồng. Bởi vì họ cứ thực hành di sản như vậy, thực hiện hầu đồng nhưng chưa chắc đã hiểu. Thậm chí hát văn chầu còn sai, còn chưa thuộc. Vì vậy, việc tập hợp ông đồng bà đồng để đối thoại, trò chuyện, đôi khi còn là “chấn chỉnh”, tôi nghĩ đó là việc làm cần thiết.
Theo tôi, từng địa phương, ngành văn hóa phải vào cuộc, tập hợp các ông bà đồng để trao đổi, đối thoại thường xuyên. Phải để cho chính các ông đồng bà đồng nhận thức được giá trị của di sản, nhận thức được việc thực hành hầu đồng có ảnh hưởng đến cộng đồng như thế nào để làm sao cho đúng, cho chuẩn mực.
+ Với hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể, việc sân khấu hóa không được ủng hộ. Tuy nhiên, với hát văn, hầu đồng thì khác. Vì sao lại như vậy, thưa GS?
– Việc khai thác kho tàng di sản của tín ngưỡng này, chính bản thân các nhà hoạt động đã khai thác, các nghệ sĩ hiện nay đang trình diễn giá đồng. Theo tôi, điều này không ảnh hưởng đến giá trị của tín ngưỡng nếu nhìn từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể. Vấn đề là câu chuyện từ dân gian đến sáng tạo của các nghệ sĩ lại là câu chuyện khác. Cơ quan quản lý như Bộ VHTTDL vẫn nên có văn bản hướng dẫn các nghệ sĩ để họ xác định cách sáng tạo, kế thừa truyền thống để sáng tạo.
+ Trước đó, Bộ VHTTDL cũng đã đưa ra dự thảo chương trình hành động để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này. Tuy nhiên, theo GS, ngoài ra, cần những điều gì để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này, như việc quy định trang phục chung cho các thanh đồng, quy định về ban thưởng?
– Tín ngưỡng thờ Mẫu nằm trong phạm trù chúng ta vẫn gọi là Tín ngưỡng, có đầy đủ quy định thực hành ra sao mà các nhà khoa học và các thanh đồng thực thụ đều năm được. Việc quy định trang phục chung cũng là một hướng mà chúng tôi nghiên cứu đề xuất thực hiện. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cộng đồng. Chúng tôi mong muốn việc chọn trang phục sẽ được lấy ý kiến cộng đồng. Quy định về trang phục có được cộng đồng chấp nhận hay không rồi mới thực hiện.
Ngay cả với việc ban thưởng cũng vậy. Dứt khoát hầu đồng là phải có ban thưởng. Vấn đề là ban thưởng tượng trưng hay để mặc cho các thanh đồng đua nhau làm thật lớn, thật hậu hĩnh. Khi lập hồ sơ Tín ngưỡng, chúng tôi cũng từng đưa khách quốc tế về quay phim làm hồ sơ. Chúng tôi vẫn khuyến cáo các thanh đồng là ban thưởng khiêm tốn, tiết kiệm thôi. Theo tôi, Bộ VHTTDL cũng nên có trao đổi với các ông, bà đồng để có quy định chung về ban thưởng trong thực hành Tín ngưỡng này.
+ Xin cảm ơn GS!
Nguồn: http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/23414
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759