Du lịch HuếĐiểm đến miền Trung

Đàn Nam Giao

Share
Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tế trời, được đặt tại làng An Ninh vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía Nam của Kinh Thành – nay là địa phận phường Trường An, thành phố Huế.

Đây là đàn tế trời duy nhất ở Việt Nam còn khá nguyên vẹn, với rừng thông xanh bao bọc quanh đàn. Trước đây, đích thân vua cùng các quan trong triều phải trồng và chăm sóc những cây thông này. Đối với họ, đây là chốn thiêng liêng bậc nhất cần phải gìn giữ. Ngày nay, số thông cũ tuy không còn nhưng một loạt các cây khác đã được tiếp tục trồng thay thế. Đàn gồm 3 tầng, xây chồng lên nhau, tượng trung cho “tam tài“: thiên, địa, nhân.


HieuMinh Travel

Du lịch, cho thuê xe tại miền trung

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://hieuminh.com.vn


 

Tầng trên cùng hình tròn – Viên Đàn – tượng trưng cho trời, xung quanh có lan can quét vôi màu xanh. Trên nền Viên Đàn có lát những phiến đá Thanh được khoét lỗ tròn. Đến kỳ tế lễ, những lỗ này được dùng để cắm cột dựng lều vải màu xanh hình nón, gọi là Thanh Ốc.

Tầng tiếp theo hình vuông – Phương Đàn – tượng trưng cho đất, lan can quét vôi màu vàng. Khi tế, người ta dựng lều vải màu vàng, gọi là Hoàng Ốc.

Tầng dưới cùng cũng có hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ, tượng trung cho con người. Cả ba tầng đều có trổ cửa và bậc cấp ở 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc.


Xung quanh ba tầng đàn này còn có các công trình như Trai Cung (dành cho vua vào nghỉ ngơi trai giới trước khi tế vài ngày), Thần Trù (nhà bếp, nơi chuẩn bị các con vật cúng tế), Thần Khố (kho chứa đồ dùng cho cuộc tế) và một số công trình phụ khác.

Theo quan niệm “Vua là Thiên tử“ (con trời) nên chỉ có vua mới được quyền cúng tế trời đất (cha mẹ của vua), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tạ ơn trời đất. Lễ Tế Giao đầu tiên dưới thời Nguyễn được tổ chức năm 1807 và từ đó trở đi được tổ chức vào mùa xuân hàng năm cho đến thời Thành Thái, vào năm 1907, thì đổi lại 3 năm một lần.

Công việc chuẩn bị được giao cho bộ Công và bộ Lễ, tiến hành hàng tháng trước khi tế, liên quan đến nhiều nghi lễ phức tạp, vật dụng tốn kém. Các quan và bản thân nhà vua cũng phải trai giới 3 ngày trước khi tế. Dưới thời Bảo Đại, thời gian trai giới rút xuống còn 1 ngày.

 Người ta gọi những con vật được đem ra cúng trong dịp này là các con sinh (hay còn gọi con sanh). Đó là trâu, heo, dê. Hàng chục con được tập trung vỗ béo từ trước bằng những thức ăn tinh sạch. Khâm Thiên Giám có nhiệm vụ xem ngày lành tháng tốt. Vua đích thân ban hành những chiếu dụ thông báo cho dân chúng, tri ân cho các quan và cho phép giảm án tù.

Dọc đường từ Đại Nội đến Giao Đàn, nhân dân phải kết cổng chào, lập hương án đón đám rước nhà vua đi qua. Đoàn Ngự đạo của nhà vua sẽ đi ra từ Ngọ Môn, vượt sông Hương qua cầu phao bằng thuyền (khi chưa có cầu Trường Tiền), đến Nam Giao bằng con đường mà trước đây gọi là “Nam Giao cựu lộ“ là đường Phan Bội Châu và “Nam Giao tân lộ” tức là đường Điện Biên Phủ ngày nay.

Cuộc lễ chính thức bắt đầu lúc 2 giờ sáng, với nhiều nghi lễ lần lượt tiến hành ở các tầng đàn, có sự tham gia của các quan cũng như sự góp mặt của dàn nhạc (chuông, trống, chiêng, khánh, tù và, nhị, sáo…). 128 văn công và vũ công múa Bát Dật, các ca công hát 9 khúc nhạc tế trong 9 giai đoạn khác nhau của cuộc lễ. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, buổi tế mới kết thúc.

Lễ Tế Giao cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam được tổ chức dưới thời vua Bảo Đại, vào nửa đêm rạng ngày 23-3-1945, đúng 5 tháng trước khi nền quân chủ ấy sụp đổ hoàn toàn.

Ngày nay, đàn Nam Giao trở thành một chứng tích lịch sử quan trọng trong cụm di tích triều Nguyễn.

Nguồn:Sưu tầm


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays