Đơn giản mà hiệu quả như du lịch Thái Lan
Trong chuyến khảo sát Chiengmai, sau 2 ngày tìm hiểu các khu trò chơi cảm giác mạnh (Việt Nam gọi là du lịch mạo hiểm) và các danh thắng; Wichai – giám đốc Trung tâm Huấn luyện Hoàng gia Thái, nhất định mời chúng tôi đến Baan Tong Luang. “Tại sao lại là Tong Luang mà không phải nơi khác?”. “Đến đó sẽ hiểu tại sao”.
Baan (có thể gọi là bản làng) Tong Luang, mới được thành lập vào năm 2005, cách Chiengmai 45 km, rộng khỏang 8 ha và chừng mấy chục nóc nhà, giữa thung lũng vùng bán sơn địa. Bản nghèo, nhà cửa tuềnh toàng, đa phần lợp bằng lá cây giá tỵ (còn gọi là gỗ tek). Vé tham quan khá đắt, 500 Baht (1 Usd # 33 Baht) và chỉ mở cửa từ 8g – 17g mỗi ngày. Đọc bản đồ, tôi rất ngạc nhiên vì bản nhỏ mà có tới 7 dân tộc anh em Thái Lan cùng sống chung là Dao, H’Mong, Aka, Padong, Lahue, Kayaw và Karen (có nơi gọi là Kayan). Tôi đặc biệt chú ý tới dân tộc Karen. Họ nổi tiếng khắp thế giới vì những chiếc cổ kỳ lạ. Nhiều người gọi họ là người cổ dài.
Bản có đường đá dăm với hàng rào bao quanh và nhiều lối mòn ra những bờ ruộng xinh xắn, những ao cá nên thơ, những luống rau củ bình dị. Mấy cái xa nước như chờ đợi. Vài chú trâu nhẩn nha gặm cỏ hoặc vô tư nhai lại. Tất cả đều là nhà sàn theo phong cách từng bộ tộc. Mái và vách na ná giống nhau. Nhà nào cũng đang “sản xuất” và bày bán các sản phẩm thủ công đặc trưng. Khách như lạc bước vào cổ tích bởi những đứa trẻ hồn nhiên nhảy dây biến tấu (khác kiểu nhảy của trẻ con Việt Nam) và nhiều trò chơi dân gian ngộ nghĩnh, có nhiều nét tương đồng khắp Asean. Những người dân tộc, đa phần là phụ nữ thường ngồi dệt vải, đan lát, đục đẽo, thêu thùa…trước cửa; cạnh sạp bán hàng thủ công của gia đình. Dễ thương nhất là cảnh mấy cô mấy bà ngồi bên bụi tre hay cạnh đường làng, chăm chú thổi hồn vào tác phẩm, tự nhiên như bức tranh quê sống động.
Theo sơ đồ hướng dẫn, tôi đảo một vòng quanh bản, thấy làng rất ít trẻ con và nhà nào cũng có sạp bán hàng, cứ như làng siêu thị nhà quê. Nhà vệ sinh, nhà tắm được gom thành khu vực dùng chung, dừng bằng sậy và tre, lợp lá gỗ tek nhưng bên trong tươm tất, sạch sẽ. Cuối bản, trên khoảng đất cao ráo nhất là nhà thờ khang trang, đặc trưng và duyên dáng. Tôi phát hiện ra, Baan Tong Luang không phải là bản tự nhiên mà là làng Du lịch. Bản nào mà có tới 7 dân tộc anh em chung sống như một bảo tàng thu nhỏ? Mới vào cứ ngờ ngợ. Khá khen cho cách làm du lịch giản đơn, thiết thực mà hiệu quả của người Thái. Nhà nước đầu tư, mời dân về định cư và lập thành Bản Du lịch, gọi là “Eco Agricultural Hill Tribes Village”. Cái hay là làng giả mà như thật, đúng chất dân dã chân quê. Tiền bán hàng và bán vé đủ đảm bảo cuốc sống cho dân bản.
Với nhiều khách du lịch, ấn tượng nhất trong bản là những người Karen, bộ tộc cổ dài. Gọi như vậy vì phụ nữ, từ trẻ tới già đều quấn quanh cổ những sợi dây đồng đặc, đường kính gần 1cm, dài mấy mét và nặng có thể đến 8 ký. Cổ càng cao, càng đẹp. Những vòng đồng đẩy đầu lên cao, khuôn mặt người nào cũng nhỏ thó. Có cảm giác họ cựa quậy đầu khó khăn, trông rất khổ sở. Nhưng không phải vậy. Ai cũng niềm nở và tự hào về văn hóa độc đáo của bộ tộc mình. Đoán biệt sự ngạc nhiên và tò mò, họ làm sẵn mấy vòng cổ một nửa, phần trước là đồng, phần sau là dây buộc lại để du khách đeo vào giả làm người Karen chốc lát. Tôi láu táu đeo vào, chụp ảnh xong mới ngộ ra chỉ có phụ nữ mới đeo vòng để có cổ dài, còn đàn ông thì không. Không chỉ đeo vòng cổ, phụ nữ còn đeo vòng tay, vòng chân tương tự. Ai cũng mình dây, mi nhon, nét mặt và cả thân hình cứ như bà con. Tội nghiệp mấy người tay chân hơi to một chút, phải lấy vải quấn quanh tay và chân để vòng không thít vào thịt. Cả làng không thấy ai đậm người chứ đừng nói béo phì.
Trước đây, để vào vùng dân tộc Karen sinh sống phải đi Myanmar hoặc Thái Lan, vùng biên giới tiếp giáp hai nước, đường đi hiểm trở, lội bộ vất vả cả ngày mới tới. Hơn mười năm nay, du khách chỉ cần đến Chiengmai rồi đi xe tiếp chừng 40 phút là vào ngay bản của người cổ dài. Nhìn bề ngoài có phần lam lũ, chân chất nhưng ai cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Du khách tha hồ tiếp cận, chụp ảnh no mắt, la cà ngắm nghía, săm soi các sản phẩm độc đáo để mua làm quà. Chẳng ai vào bản mà trở ra tay không. Các sạp hàng hóa nằm sát hai bên đường, bày bán những sản phẩm trang sức bằng bạc và đồng, những chiếc khăn thổ cẩm, khăn tay màu sắc…Tất cả đều làm và dệt thủ công. Những tấm postcard mà hình ảnh chính là các cô gái cổ dài trong bản với nụ cười thân thiện. Những phụ nữ cổ dài đang ngồi dệt sau khung cửi, được tuyển chọn và huấn luyện, xinh xắn với chiếc cổ cao lêu đêu một cách kỳ dị. Nhiều người thắc mắc không rõ họ cúi xuống như thế nào và họ sẽ làm các công việc khác ra sao khi việc cúi nhìn là cả một vấn đề. Ngứa cổ làm sao gãi?? Không hiểu họ ngủ có khó khăn không? Làm sao lăn qua lăn lại thoải mái. Tháo vòng, chắc cổ sẽ gãy?
Theo sử liệu, cư dân Karen có tổ tiên là thổ dân Khumlen ở Myanmar, di cư sang Thái Lan từ thế kỷ 17. Người Karen theo chế độ mẫu hệ và quan niệm cổ càng dài thì càng đẹp và danh giá, tránh được thú dữ và không thể trốn khỏi làng (phụ nữ Karen không được lấy người khác làng). Mỗi bé gái sinh ra được xem là mang phúc đến cả làng. Các gia đình khi đến chúc mừng đều mang đồng hoặc vàng đến làm quà. Cha mẹ em đúc sẵn những chiếc vòng đeo cổ bằng đồng. Khi bé lên năm sẽ là lễ đeo vòng đầu tiên, nặng 0,5kg. Số vòng tăng dần vài năm một lần. Vòng tăng cân nặng, đồng nghĩa với số vòng và chiều cao của những vòng cổ tăng lên. Các nhà khoa học cho rằng, chiếc cổ dài ra do sức nặng của vòng khiến vai và xương đòn sụn xuống, phần hở ra này lại được nhanh chóng lắp thêm bằng một chiếc vòng mới. Cứ thế mà kéo dài cho đến khi kết thúc cuộc đời. Có những chiếc vòng nặng tới 8kg và số vòng lên đến gần 40. Không ai được phép nhìn thấy chiếc cổ phía trong những vòng cuộn nặng nề kia. Những cô bé người Myanmar gốc sẽ vẽ thêm hình hoa trên đôi má bầu bĩnh bằng phấn thanaka.
Chia tay Ban Tong Luang giữa hoàng hôn tím nhạt, gió quê hào phóng mơn man, mang theo những cụ cười Karen đôn hậu, tôi cứ mãi nghĩ về Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam Đồng Mô. Cả cách làm lẫn hiệu quả đều một trời một vực. Tôi bỗng nhớ lần ghé vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), vào trải nghiệm “phong tục ngủ ngồi” với người Đan Lai rất kỳ thú. Người Đan Lai làm gì cũng ngồi, chỉ nằm khi chết. Rồi những lần điền dã vùng Yên Bái, tìm hiểu những “chiếc giường đôi hạnh phúc”, vừa ngắn vừa hẹp, cứ như của mấy chú Lùn trong truyện nàng Bạch Tuyết. Giường hẹp và ngắn, vợ chồng phải nằm cong nghiêng kiểu úp thìa, ôm nhau ngủ. Ngủ kiểu đó, có giận nhau cũng phải làm lành.
Theo luavietours
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759