Đừng biến người Mông quê tôi thành lũ trẻ ăn xin
Ở góc độ người làm du lịch, tôi thấy du lịch thiện nguyện là hình thức không nên phát triển. Nó làm hỏng hết cả ý nghĩa của du lịch lẫn từ thiện.
Du lịch thiện nguyện là một xu hướng đi du lịch mới nổi lên gần đây, nội dung chủ yếu là kết hợp chuyến du lịch tới một vùng xa xôi nào đó, nơi thường có phong cảnh hùng vĩ, hút hồn.
Người du lịch cũng mang theo quà cho trẻ em ở đó, vốn đa phần là người dân tộc ít người, kinh tế kém phát triển. Quà thường là quần áo, mũ mão, giầy dép, sách vở, kẹo bánh … và đôi khi cả tiền mặt.
Tôi làm việc tại một đơn vị phụ trách phát triển du lịch của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Ở vị trí làm việc của mình, tôi đã thấy hàng trăm đoàn khách du lịch mang theo từ vài triệu đến hàng trăm triệu tiền quà, kiếm thôn bản, trường học gần đường, chỗ có phong cảnh đẹp để phân phát nhanh chóng đặng còn du hí với trời mây, hoa cỏ, đá núi.
Tôi cũng nhìn thấy cảnh có người thò tay qua cửa kính ô tô ném kẹo xuống cho lũ trẻ, vì rằng lịch trình gấp gáp quá không chỗ nào cũng dừng được
Khá hơn cũng chỉ là dừng xịch lại bên đường, phát quà vội vã ngay đấy rồi đi tiếp.
Ở vị trí làm việc của tôi, tôi cũng được tiếp xúc với nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính phủ trong nước cũng như quốc tế lên làm từ thiện.
Họ không gọi đó là ” từ thiện “. Họ gọi là “Hỗ trợ phát triển”. Họ vẫn đem cho, thậm chí cho nhiều, nhưng không bao giờ là quần áo, chăn màn, giày dép hay đồ ăn.
Họ nói quần áo, chăn màn, giày dép hay đồ ăn là việc “cứu trợ khẩn cấp” và việc đó thuộc về chính phủ, hay chí ít cũng là Hội chữ thập đỏ.
Còn họ chỉ quan tâm đến xây dựng hạ tầng y tế, giáo dục, vệ sinh, nước sạch… và họ luôn bắt buộc chính quyền địa phương và người dân chia sẻ, đóng góp vào dự án mà sau đó người dân sẽ thụ hưởng. Ít nhất cũng là góp công lao động.
Họ theo dõi dự án rất sát sao, tôi nghĩ còn sát sao hơn cả một số dự án trăm tỉ của ta. Có vị Đại sứ nọ còn quay trở lại công trình đã giúp vài lần trong những năm sau đó, và viết báo cáo đánh giá nghiêm túc về hiệu quả.
Một vài tổ chức có điều kiện hơn thậm chí còn ở lại giúp những việc cực khó như phục hồi nghề truyền thống, vốn dĩ ngoài tiền ra còn đòi hỏi hàng trăm thứ khác như tìm nhà tài trợ, tìm hiểu, cải thiện công nghệ, đánh giá chất lượng, đánh giá tính khả thi, thuyết phục bà con tham gia, tìm đầu ra cho sản phẩm, đào tạo bà con thành hướng dẫn viên du lịch cho hợp tác xã thủ công….
Chuyến đi khảo sát của họ luôn vào tâm điểm của các nơi thực sự khó khăn và không bao giờ là một chuyến du lịch. Kiểu ‘từ thiện” của họ đòi hỏi thời gian, sự hiểu biết và kiên trì, rất không dễ thực hiện với những ai thích ăn xổi.
Ở vị trí làm việc của tôi, tôi đã thấy những đứa trẻ người Mông, vốn khi xưa hàng ngày đi học về thì hộ cha mẹ vun ngô, cắt cỏ bò, se lanh, chăn dê… nay lượn lờ dọc quốc lộ, đuổi theo hoặc chặn đường xe du khách, xòe tay xin kẹo vòi tiền.
Thậm chí có đứa còn ném đá hoặc chửi với theo du khách khi không được đồng nào: “Đ.M. không cho gì à?”.
Ai đã làm hỏng những đứa trẻ như thế? Người Mông nổi tiếng với đức tính chăm chỉ, lương thiện, thật thà sẽ ra sao với thế hệ mới này?
Tôi thấy có cơ quan quản lý du lịch còn phải dán bảng: “Đề nghị du khách không cho trẻ em tiền và kẹo bánh”.
Ở vị trí làm việc của tôi, tôi đã thấy những phụ nữ, đàn ông người Mông gánh hàng ra điểm du lịch, bán những sản vật họ tự tay làm ra như chút bột nghệ đen, đôi chai mật ong rừng, dăm cân ấu tẩu… từ năm 2011.
Tất thảy đều thô sơ. Kỳ lạ là gần đây lên thăm lại, tôi thấy họ đã gói vẫn những hàng đó trong những túi giấy sạch sẽ, có ghi rõ tên, cách dùng và cả số điện thoại.
Từ thiện không bao giờ là xấu. Nhưng ghép từ thiện vào du lịch e rằng không phải là ý tưởng hay. Ở góc độ người làm du lịch, tôi thấy du lịch thiện nguyện là hình thức không nên phát triển. Nó làm hỏng hết cả ý nghĩa của du lịch lẫn từ thiện.
Các bạn hãy đi du lịch một cách thảnh thơi, chi tiền bạo tay cho các sản phẩm và dịch vụ tốt của địa phương, hít thở khí trời, tắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ, tận hưởng văn hóa và phong tục bản địa.
Hãy thuê một cu nhóc dắt đi chơi quanh làng bản nhà nó. Hãy bảo nó chỉ cho cách se lanh, nấu thắng cố và trả tiền thưởng thật cao nếu nó làm tốt. Hãy mua vài mớ rau nó trồng. Còn gì chia sẻ khó khăn với đồng bào tốt hơn là giúp họ phát triển với chính năng lực của họ?
Cảnh những đứa trẻ cởi truồng, chân trần sẽ chấm dứt khi kinh tế phát triển tốt. Chúng sẽ nói tiếng Anh, tìm hiểu về quê chúng, giữ gìn những cảnh đẹp, môi trường trong sạch, học nghề truyền thống…
Và những nếp nhà rách nát, những người Mông đói nghèo sẽ biến mất một cách bền vững khi họ đủ khả năng kiếm tiền cho bữa tối mọi ngày, chứ không phải là gói kẹo ngọt lòng một bữa.
Khi hiểu lao động chân chính sẽ tạo ra thu nhập cho một cuộc sống tốt đẹp, thì nhân cách của cả người lao động lẫn người trả công cho lao động mới trở nên sáng trong và vĩ đại.
Hãy để những đứa trẻ lớn lên với nhận thức về tự lực và niềm tin vào tương lai nằm trong tay chúng. Hãy giúp đồng bào dân tộc bằng cách làm họ đứng thật vững trên chính đôi chân mình. Tôi cầu xin các bạn, đừng biến người Mông quê tôi thành lũ trẻ ăn xin.
Chỉ cần đi du lịch đúng nghĩa, các bạn đã làm nên điều đó.
Theo Trí Thức Trẻ
http://cafebiz.vn/dung-bien-nguoi-mong-que-toi-thanh-lu-tre-an-xin-20161020193918807.chn
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759