Du lịch Đà NẵngDu lịch Huế

Hình ảnh khai phá và xây dựng cung đường đèo Hải Vân

Share

Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ), cao 500 m (so với mực nước biển), dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên-Huế (ở phía Bắc) và thành phố Đà Nẵng (ở phía Nam), Việt Nam.

Theo sử liệu, trước năm Bính Ngọ (1306), vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa (còn gọi là Chiêm Thành). Sau khi được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần vào năm vừa kể (1306), thì ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ (dưới triều Hồ Hán Thương) sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa.
Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay), và trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, như sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”.


Du lịch, cho thuê xe tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn


 

Vào thời Nguyễn, đèo Hải Vân vẫn là chỗ giáp giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Phía bắc chân núi giáp vực biển có hang Dơi, tục gọi là bãi Tiêu. Tương truyền xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật chìm, nên ngạn ngữ có câu: “Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi”

Các kĩ sư Pháp bên đường hầm qua đèo Hải Vân
Đường hầm tàu lửa Hải Vân Đà Nẵng – Huế được hoàn thành vào năm 1906 với sức người là chính. Đã có hàng trăm phu phen bỏ mạng khi đường hầm được hoàn thành. Tàu chạy qua đây mỗi ngày chỉ có 2 chuyến nên lính canh hầm thả chó đi rông và ngồi chơi thoải mái.

Trong nhiều thế kỷ, đường Cái Quan (nay là Quốc lộ 1 A) băng qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại, bởi đường hiểm, thú dữ và kẻ cướp…Bởi vậy mà văn hóa giữa hai miền Bắc-Nam ít được giao lưu. Về sau, con đường này đã thông thoáng hơn (dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt quanh co qua con đèo này.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa vì cơ nguy tai nạn giao thông trên con đường hẹp nên việc qua lại trên đèo được điều hành bằng cách đặt 3 trạm kiểm soát: 1 ở Lăng Cô, 1 ở đỉnh đèo, và 1 ở Liên Chiểu, hạn chế xe phải đi thành đoàn cùng lên đèo hoặc cùng xuống đèo để giảm tai nạn xe đâm nhau ngược đường. Xe từ Lăng Cô hay Liên Chiểu phải đợi tụ thành một đoàn rồi bắt đầu trèo đèo cùng một lượt. Đến đỉnh đèo thì đoàn xe dừng lại ở trạm kiểm soát và rồi xuống đèo cùng một lượt cho đến qua khỏi trạm kiểm soát ở chân đèo. Như vậy suốt đoạn đường đèo chỉ co một chiều xe chạy. Năm 1966 lực lượng công binh Seabee của binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nới rộng đường xa lộ qua đèo thì việc giao thông không phải đợi ở ba trạm kiểm soát kể trên nữa.
Ngày 5 tháng 6 năm 2005, hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân cũng đã được đưa ra vào sử dụng, càng tạo thuận lợi cho việc đi lại), nên trở ngại ấy đã không còn nữa, tuy nhiên, đèo Hải Vân vẫn là một “hàng rào” ngăn cản một phần khí hậu giữa hai miền.
Mặc dù ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, và địa hình của đường đèo vẫn còn một số hiểm trở, song nhiều du khách vẫn thích đi trên con đường này để thưởng ngoạn. Vào những ngày đẹp trời, họ có thể thấy khá rõ một phần thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa – Bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm,… và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.

Đồn Pháp đóng trên Đèo Hải Vân, 1966

 Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan (海雲關), xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm “Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo”, tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).

Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn, 1470).

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép rõ:

“Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan” (雲海關), ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (天下第一雄關). Cửa trước cao và dài đều 15 thước (khoảng 6 mét), ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quảng hạt Quảng Nam”.

Năm 1876 trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ thì nhà địa lý học Jules-Léon Dutreuil de Rhins khi đi đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế có ghi nhận rằng cửa ải có 50 lính canh phòng. Năm 1885 sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884) thì số lính chỉ còn khoảng 5 người và sang đầu thế kỷ 20 khi Henri Coserat của Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) lên đèo quan sát thì cửa ải đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác.

Cửa ải Hải Vân còn chứng kiến cuộc ngự du của vua Thành Thái vào mùa hè năm 1896. Xa giá của vua đi đường thủy vào đến Lăng Cô, nghỉ qua đêm rồi hôm sau đăng sơn. Vua cưỡi ngựa; tháp tùng là giới chức Pháp gồm có Toàn quyền Rousseau và Khâm sứ Brière lên tận cửa ải để ngắm cảnh quan.

Đáng tiếc là di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng. Ngoài ra, nơi đỉnh Hải Vân hiện vẫn còn một vài lô cốt (tàn tích của Đồn Nhất) do quân đội Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược này. Sau, đồn bót ấy được chuyển sang tay quân đội Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đèo Hải Vân là nơi đã liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn.

Năm 2017, cửa ải Hải Vân (Hải Vân Quan) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia. Do Hải Vân Quan nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng cùng chịu trách nhiệm quản lý di tích này.

Lavang Travel tổng hợp. Nguồn: Wikipedia, Di Sản Huế, Ảnh tư liệu.


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays