Tin du lịch

Những điểm mới của Luật Du lịch 2017

Share

Luật Du lịch 2017 được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ gần 90% đại biểu tán thành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Trung tâm Thông tin du lịch trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương về những điểm mới của Luật Du lịch 2017.

Có thể bạn quan tâm:

a) Luật Du lịch 2017 lấy khách du lịch làm trung tâm


HieuMinh Travel

Du lịch, cho thuê xe tại miền trung

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://hieuminh.com.vn


 

Một trong những quan điểm xuyên suốt của Luật Du lịch 2017 là lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Nhiều nội dung liên quan như quy định về quản lý khu, điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh các dịch vụ du lịch khác đều đã được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tham quan, du lịch.

b) Về chính sách phát triển du lịch

Thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017 đã quy định các chính sách cụ thể và có tính khả thi hơn (Điều 5). Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; đồng thời Luật đã quy định một số chính sách đặc thù đối với các hoạt động du lịch theo mức độ được ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách hoặc được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ.

Để Điều Luật này đi vào cuộc sống, cũng như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương thông qua việc sửa đổi, ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật.

c) Về phát triển sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch là yếu tố cơ bản và quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, Luật Du lịch 2005 còn thiếu các quy định nhằm phát triển sản phẩm du lịch. Để khắc phục hạn chế này, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung quy định:

Điểm b và điểm d, khoản 4 Điều 5: Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc thù khác.

Điều 18. Khoản 1 khẳng định quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh sản phẩm du lịch của các tổ chức, cá nhân; Khoản 2 giao Chính phủ định hướng và có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo phù hợp với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn cụ thể; Khoản 3 giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.

Đặc biệt Luật Du lịch 2017 có 1 Điều (Điều 19) quy định về du lịch cộng đồng, đây là một sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa du lịch của địa phương và tham gia, quản lý của cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương còn nhiều khó khăn, mang lại lợi ích trực tiếp cho đồng bào các dân tộc.

Khoản 2 Điều 19 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lựa chọn những địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, có chính sách hỗ trợ hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại những nơi đó.

Khoản 3. Quy định trách nhiệm của UBND cấp xã phải tuyên truyền, giáo dục người dân trong cộng đồng có thái độ văn minh ứng xử với khách du lịch cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường du lịch lành mạnh, sạch đẹp.

d) Về khu du lịch, điểm du lịch

Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh điều kiện công nhận và thời điểm công nhận khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.

So với Luật Du lịch 2005, về điểm du lịch đã không còn quy định về điểm du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch quốc gia.

Về thời điểm công nhận: nếu Luật Du lịch 2005 không quy định rõ thời điểm công nhận khu du lịch, điểm du lịch khi có quy hoạch (nhằm mục đích thu hút đầu tư) hay khi đã hình thành thì Luật Du lịch 2017 chỉ công nhận khu du lịch khi đã đáp ứng được các tiêu chí về cơ sở vật chất, tức là đã hình thành và việc công nhận như là một thương hiệu cho điểm đến. Về thẩm quyền công nhận cũng đã được điều chỉnh. Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định công nhận khu du lịch quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố quyết định công nhận khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch.

Dự kiến sau khi Luật có hiệu lực thi hành, sẽ có nhiều khu du lịch, điểm du lịch được công nhận, góp phần quan trọng trong việc hình thành các sản phẩm du lịch có chất lượng cao và cho công tác quảng bá thương hiệu, thu hút khách du lịch.

đ) Về cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa

Du lịch nội địa ngày càng có vai trò quan trọng, hiện là nhu cầu phổ biến của người dân Việt Nam. Luật Du lịch 2005 chỉ quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mà không quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.

Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy, du lịch nội địa phát triển nhanh, do không có quy định cấp phép nên xảy ra hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân không thành lập doanh nghiệp hoặc có thành lập doanh nghiệp nhưng không đảm bảo điều kiện, không thông báo thời điểm bắt đầu kinh doanh cho cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh; trong quá trình hoạt động cắt giảm chương trình, dịch vụ, không đảm bảo chất lượng dịch vụ như cam kết với khách… dẫn đến tình trạng lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch nội địa (là người Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam), Luật Du lịch 2017 quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi có Giấy phép.

Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cũng đã đơn giản hóa. Doanh nghiệp thay vì phải nộp hồ sơ đề nghị qua sở, sở thẩm định rồi gửi đến Tổng cục Du lịch thì nay chỉ cần gửi trực tiếp đến Tổng cục Du lịch.

e) Về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

Luật Du lịch 2005 quy định mọi cơ sở lưu trú du lịch phải thực hiện việc đăng ký để được xếp hạng trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Mặc dù quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, tuy nhiên, lại mang nặng tính quản lý hành chính nhà nước, can thiệp vào sự vận hành theo quy luật của thị trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

Với mục tiêu khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, giảm tác động của biện pháp hành chính trong hoạt động kinh doanh, Luật Du lịch 2017 quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với cơ sở lưu trú nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ tối thiểu đối với mọi cơ sở lưu trú du lịch. Trong quá trình kinh doanh, cơ sở lưu trú có nhu cầu khẳng định chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu, uy tín đối với khách du lịch sẽ đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

g) Về cấp biển hiệu cho phương tiện vận tải khách du lịch

Theo Luật Du lịch 2005, Sở GTVT là cơ quan cấp biển hiệu cho phương tiện vận tải khách du lịch sau khi có ý kiến của Sở Du lịch, Sở VHTTDL. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong Luật Du lịch 2017 việc này được giao cho Sở GTVT, ngành Du lịch đã phối hợp với ngành Giao thông khi soạn thảo Thông tư quy định điều kiện đối với người điều khiển, người phục vụ, trang thiết bị và dịch vụ trên các phương tiện vận tải khách du lịch. Theo dự thảo Nghị định đang trình Chính phủ, cấp biển hiệu cho phương tiện vận tải khách du lịch chỉ áp dụng đối với phương tiện vận tải là xe ôtô và phương tiện vận tải thủy nội địa (có động cơ, có đăng kiểm) còn các phương tiện vận tải thô sơ không áp dụng.

h)  Điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên du lịch

Xác định hướng dẫn viên du lịch có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông tin văn hóa, lịch sử, kết nối các dịch vụ du lịch, chăm sóc khách du lịch góp phần nâng cao hình ảnh của quốc gia, địa phương, điểm đến, sự hài lòng của khách du lịch, Luật Du lịch 2017 điều chỉnh, bổ sung quy định về điều kiện hành nghề và điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

– Điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch được quy định chặt chẽ hơn: Ngoài việc có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên cũng có thể hành nghề hướng dẫn nếu có hợp đồng với lao động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Bên cạnh đó khi đi hướng dẫn cho một đoàn cụ thể thì hướng dẫn viên cần có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công nhiệm vụ hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch, khu du lịch. Quy định này cũng góp phần ngăn ngừa việc hướng dẫn viên thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ du lịch “chui” trong thực tiễn.

– Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế được điều chỉnh từ trình độ cử nhân thành trình độ cao đẳng để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của khách du lịch, của người lao động và yêu cầu của công tác quản lý. Việc quy định điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế với trình độ cao đẳng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt với một số ngôn ngữ trong một số thời điểm.

h) Về các dịch vụ du lịch khác

Đây là những dịch vụ du lịch bổ sung cho các dịch vụ du lịch cơ bản như lữ hành, lưu trú du lịch, vận tải khách du lịch. Những dịch vụ này giữ vai trò quan trọng trong việc tăng độ hấp dẫn của sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch. Vì vậy, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung quy định chi tiết hơn về phát triển những dịch vụ này. Luật Du lịch 2005 chỉ quy định cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ này trong phạm vi các khu, điểm du lịch. Luật Du lịch 2017 mở rộng đối tượng được cấp biển hiệu này đối với tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ khi họ có nhu cầu và đáp ứng các tiêu chí, không phụ thuộc cơ sở này nằm ở đâu, vì có nhiều cơ sở nằm trong thành phố cũng rất muốn được cấp biển hiệu.

i) Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Đối với ngành Du lịch, việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết nhằm triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.

Việc hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được quy định tại Luật Du lịch 2005 nhưng còn chung chung, chưa cụ thể về nguồn thu, thiếu tính khả thi, nên 10 năm qua không thể thành lập được Quỹ.

Khắc phục bất cập này, Luật Du lịch 2017 đã quy định cụ thể về địa vị pháp lý, mục đích, nguyên tắc hoạt động của Quỹ. Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể hơn các nguồn thu, đảm bảo tính khả thi trong việc thành lập Quỹ. Theo đó, Quỹ được hình thành từ: (1) vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, (2) Ngân sách nhà nước bổ sung hằng năm một phần trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài, (3) nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, (4) các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Định mức, tỷ lệ cụ thể do Chính phủ quy định chi tiết.

Đây là nội dung sửa đổi quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc thành lập Quỹ trong thời gian sắp tới

Nguồn:http://vietnamtourism.gov.vn


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays