Phong tục cỗ cúng tết 3 miền
Đối với người Việt, ẩm thực từ lâu đã trở thành một yếu tố quan trọng trong những ngày Tết cổ truyền, có lẽ bởi thế mà người ta thường hay nói “ăn Tết” nhiều hơn là chơi Tết, nghỉ Tết…
Có thể bạn quan tâm:
Một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Việt chính là mâm cỗ Tết, ở mỗi vùng miền do điều kiện địa lý, thói quen ăn uống khác nhau mà lại có những cách bày mâm cỗ Tết khác nhau.
Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Nào bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Nào đĩa xôi, đĩa thịt gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối. Với mâm cỗ Tết, việc trình bày cũng không thể qua loa, các món ăn đều được bày biện khéo léo và đẹp mắt. Ví như, đĩa xôi gấc đỏ tươi như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới, các món nấu, các món canh sẽ được rắc những cọng hành lá xanh để điểm thêm màu sắc. Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30 (vì người Việt ta kiêng sát sinh vào ngày mồng 1 Tết và năm mới). Thịt lợn là thịt nạc mông hay thịt chân giò ngon, còn thịt mỡ sẽ dùng để chế biến món giò xào cho dễ ăn…
Miền Bắc ngày Tết không thể thiếu món bánh chưng ăn kèm dưa hành, trên mâm cỗ của nhiều nhà còn bày cả đĩa bánh chưng xanh. Cái rét lạnh đặc trưng vào mùa đông của miền Bắc cũng khiến những món ăn như giò xào, thịt nấu đông trở thành những món ăn gắn liền với mâm cỗ ngày Tết. Ở nhiều địa phương, còn có chè kho từ lâu đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi đêm giao thừa.
So với miền Bắc, mâm cỗ Tết của miền Nam và miền Trung đã có không ít đổi khác và mâm cỗ Tết miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Vẫn là bánh chưng xanh ấy, nhưng ở miền Nam là sự hiện diện của những khoanh bánh chưng dài (hay còn gọi là bánh tét) được xắt miếng thay cho bánh chưng vuông và thường đi kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm. Bát canh măng nấu sẽ được dùng măng tươi thay cho măng khô (miền Bắc và miền Trung dùng măng khô). Thay cho bát canh mọc lại có bát canh khổ qua nhồi thịt.
Sự khác biệt về thời tiết rõ rệt nên những ngày Tết ở miền Nam, loại thịt được dùng cho mâm cỗ Tết thường là thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa). Đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu cũng là những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết ở miền Nam. Tùy theo từng địa phương, ta còn bắt gặp thêm mâm cỗ có các món như: cuốn thịt heo luộc, bánh ít, cơm rượu…
Mâm cỗ miền Trung trong dân gian thì có cả bánh chưng và bánh tét. Nhưng mâm cỗ tiến cúng ở miếu điện trong cung đình thì chỉ dâng cúng bánh chưng còn bánh tét thì không được dùng làm vật phẩm để dâng cúng tổ tiên. Vào những dịp nhà vua tế Trời ở đàn Nam Giao hoặc tế các vị Tiên đế ở Thế miếu, vật phẩm là bộ tam sinh (trâu, heo, dê) để nguyên con chưa qua chế biến, lễ vật này còn gọi là cỗ thái lao. Ngoài dân gian, khi cúng Đất thì bộ tam sinh là miếng thịt heo, con cua, cái trứng chỉ luộc chín chứ không chế biến.
Còn mâm cơm để cúng ông bà trong 3 ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần: Thượng cầm: các loại gia cầm biết bay như chim, gà, vịt… Hạ thú: các gia súc trên mặt đất như: heo, bò, gà… Rồi các loài thủy tộc dưới nước như: tôm, cua, cá… trong dân gian mâm cơm như vậy được gọi là hào soạn. Kể tên những món ăn trên mâm cỗ Tết miền Trung thì thường có đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram… Ở nhiều nơi, người ta còn làm cả các món: cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem bọ lụi… để dâng lên tổ tiên ngày Tết.
Tục ăn Tết, bày mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt. Đó là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình. Điều kiện địa lý, vùng miền đã mang đến nhiều điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cỗ ngày Tết nhưng nét đặc trưng cơ bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cỗ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền.
Ngày nay, cuộc sống bộn bề khiến nhiều gia đình không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Nhưng những mâm cỗ ấy vẫn luôn là biểu tượng của lòng thành kính thiêng liêng dâng lên tổ tiên và hình ảnh đại gia đình quây quần bên nhau quanh mâm cỗ ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp và sẽ còn mãi theo thời gian.
Nguồn: vietnamtourism.gov.vn
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759