Lịch sử qua ảnhVăn hoá Việt

Phụ nữ Tây Phương nhìn phụ nữ Việt Nam 100 năm trước

Share

Bài dịch dưới đây là Chương VIII, trong quyển On & Off Duty in Annam của Gabrielle M. Vassal, được xuất bản tại Luân Đôn năm 1910. Tác giả là một phụ nữ người Anh, theo chồng là một bác sĩ quân y người Pháp sang phục vụ tại Viện Pasteur ở Nha Trang hồi đầu thế kỷ thứ 20. Bài viết vì thế có giá trị như một cái nhìn hiếm có của một phụ nữ Tây Phương đối với phụ nữ Việt Nam gần 100 năm trước đây, với nhiều nhận xét thú vị.

Theo luật pháp An Nam, có nhật kỳ sớm hơn Bộ Dân Luật nước Pháp, một người đàn bà thì bình đẳng với người chồng. Luật có nói rõ ràng như thế, “người vợ thì bình đẳng” (Thê Gia Tề Râ [?], tiếng Việt Hán trong nguyên bản, chắc có sự sai lầm, chú của người dịch]; nhưng trong thực tế điều này không hoàn toàn đúng.

Người đàn bà An Nam khi lập gia đình không nhất thiết phải dùng tên của người chồng, mà còn có thể giữ tên riêng của mình.


HieuMinh Travel

Du lịch, cho thuê xe tại miền trung

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://hieuminh.com.vn


 

Bà Gabrielle M. Vassal (Ảnh: belleindochine.free.fr/)

Tại An Nam, giống như tại Trung Hoa, hôn thú được xem là một vấn đề rất quan trọng không thể nào phó mặc cho sự may rủi vì sở thích hay tình yêu. Nó là công việc mà cha mẹ phải sắp xếp và giải quyết tất thảy, thường không tham khảo các nhân vật có liên hệ mật thiết nhất tới vụ việc này. Có lý do hợp lý cho tập tục ấy. Hôn thú xảy ra ở tuổi rất sớm. Sự cố vấn chắc chắn là cần thiết cho lứa tuổi mười bốn và mười sáu; tuổi có thể lập gia đình của con trai là mười sáu, và cho con gái là mười bốn. Theo cách tính của người An Nam, các tuổi này trong thực tế còn thấp hơn nhiều, bởi một trẻ sơ sinh được tính là một tuổi vào lúc sinh ra, và hai tuổi vào dịp Tết gần nhất, tức năm mới của người An Nam.

Tuy nhiên, thời kỳ hứa hôn kéo dài lại được chấp nhận. Sự hứa hôn cấu thành khế ước pháp lý đầu tiên. Nó kết thúc ngay vào lúc người hôn thê chấp nhận các lễ vật. Nếu người thanh niên phá bỏ sự hứa hôn, anh ta sẽ mất lễ vật mà anh ta đã trao cho người hôn thê. Nếu người con gái là kẻ hủy hôn, cô ta có thể bị người hôn phu đầu tiên khiếu nại, mặc dù đã lấy một người khác.

Những cuộc hôn nhân với thân nhân có liên hệ huyết thống sẽ bị trừng phạt với hình thức nghiêm khắc nặng nề nhất. Thí dụ, một người đàn ông lấy bà cô của mình sẽ lập tức bị chém đầu. Anh ta có thể cưới chị em của người vợ đã từ trần, một điều tự nhiên đối với mọi quốc gia Tây Phương, trừ Anh Quốc là nước cũng vừa thông qua một Đạo Luật tán thành việc đó. Anh ta còn được phép lựa chọn những người vợ trong số các chị em của người vợ đầu tiên. Ngược lại, anh ta có thể phải nhận bản án treo cổ nếu cưới bà vợ góa của anh em trai mình.

Mọi loại kết hôn hỗn tạp đều bị ngăn cấm bởi vì chúng có thể làm đảo lộn tôn ti trật tự của gia đình. Thẩm quyền căn bản của người chồng không bao giờ bị đặt dấu hỏi.

Nếu người An Nam, với bản chất nghi ngờ và dè dặt, đã không quá quan trọng các nghi lễ và giáo lý Phật Giáo, chí ít họ cũng biểu lộ sự tôn kính sâu xa với tất cả những gì liên quan đến tục thờ cúng tổ tiên. Từ đó dẫn đến việc thẩm quyền và truyền thống của người cha cấu thành các nguyên tắc nền tảng của gia đình. Tại mỗi nhà đều có một bàn thờ và một thầy tế, nhưng chỉ có người đàn ông mới hội đủ điều kiện để hành lễ. Đây là nguồn gốc của một sự bất bình đẳng xã hội to lớn. Điều này thường xảy ra y như tại các xứ sở khác, người đàn ông đã tìm cách lợi dụng tôn giáo để gia tăng các đặc quyền của mình.

Sự ra đời của một đứa con trai không chỉ là lộc trời ban cho một người An Nam, y như đối với Brahman [giới tăng lữ quý tộc, chú của người dịch] ở Ấn Độ, mà nó còn đặt lên vai người đó một bổn phận nghiêm khắc và linh thiêng. Nếu Thiên Nhiên không tạo điều kiện để ban cho người đó một đứa con trai, luật pháp đã có vô số các phương cách để trợ giúp người đó. Trong thực tế đây là nguyên do cho mọi trường hợp đa hôn và thừa nhận con thừa tự. Người vợ không sinh con có thể bị trả về cha mẹ của mình: bà vợ chỉ sinh ra con gái có thể bị thế chỗ bởi một bà vợ khác.

Điều phổ biến xảy ra ở An Nam trong trường hợp một người đàn ông chỉ có một đứa con gái là thừa nhận người con rể, như người Do Thái đã làm từ thủa xưa, nhưng vì con rể không thể bị buộc gánh trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nên cần phải nhận nuôi một đứa con trai thứ nhì sẽ thay cho người đó đứng vai trò làm trưởng gia đình. Trong khi người Trung Hoa có thể lựa chọn người nào mà mình thích vì mục đích này, người An Nam bị giới hạn trong số các cháu trai bên nội và anh em họ, y như bên Hy Lạp hay Ấn Độ.

Trong vấn đề thừa kế, “phần hương hỏa” bao giờ cũng được dự liệu; điều này tạo ra một kiểu chia phần theo phần trăm có lợi cho người con trai cả hay đứa con trai nuôi. Khi thực hiện sự sắp xếp này, người góa phụ [vẫn] thừa kế tài sản của người chồng. Theo văn từ của luật pháp, các con gái bị loại ra khỏi sự thừa kế, giống như người con gái trong gia đình Trung Hoa, nhưng trong thực tế, có sự phân chia tài sản đồng đều bất kể đến giới tính.

Theo “Dịch Kinh” [chữ Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], hôn nhân thì không thể bị tan vỡ. Tuy nhiên, nhiều luật lệ tân tiến hơn có điều khoản dành cho sự ly dị. Có bảy lý do dẫn đến ly dị có thể được chấp nhận, chỉ khác biệt đôi chút với những lý do thịnh hành tại Trung Hoa. Các lý do này gồm: không có con, dâm loạn, trộm cắp, ghen tuông, lắm lời, bất kính đối với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, và mắc các chứng ác tật không thể chữa trị được như cùi hủi và động kinh phong. Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ nhất định chứng tỏ sự khôn ngoan và nhân đạo nơi người làm luật. Người đàn ông không thể ly dị vợ một khi họ đã khởi sự đời sống vợ chồng trong nghèo khổ và sau này trở nên giàu có; ông ta cũng không thể bỏ vợ nếu người đó không còn giữ quan hệ với người mà bà ta có thể đã có tình cảm.

Không duyên cớ nào được chấp nhận cho việc ngoại tình; với tội chứng rành rành, người chồng được phép giết chết đôi kẻ phạm tội. Thời xa xưa người vợ phạm tội bị mang ra chốn công cộng để bị voi giày cho đến chết. Bà ta bị trói trong tư thế quỳ gối vào một chiếc cột và bị che phủ bằng lớp màn đen. Con voi khi đó sẽ được thả ra, xông đến người đàn bà bất hạnh, và xé xác người đàn bà bằng cặp ngà của nó. Sự trừng phạt sau này được giảm xuống chỉ còn bị đánh chín mươi trượng, và ở thời điểm hiện tại, người đàn ông [được phép] đem bán vợ đi hoặc giữ người đó lại. Tại Đông Dương, các trường hợp trả thù man rợ ngày càng trở nên hiếm hoi hơn, nhưng cách đây không lâu, ta vẫn có thể nhìn thấy một cặp gian dâm bị buộc bè trôi sông. Họ đôi khi còn cùng bị hành hình, tay và chân họ bị đóng đinh vào nhau, và miệng của họ bị gắn vào nhau bằng nhựa cây. Phong tục ngày nay thừa nhận ly dị với sự đồng ý của hai bên.

Người vợ An Nam được cưới hỏi theo luật về tài sản chung của hai vợ chồng (the law of community of property). Chính vì thế người chồng khi mua hay bán đất đai không bao giờ thiếu sót trong việc ghi cả tên người vợ mình. Thôn Xã ghi chép các quyền cá nhân của người vợ trong sổ sách và người mua bán không quên người vợ đó trong các giao dịch quan trọng.

Những lời giáo huấn liên quan đến hôn nhân sẽ được tìm thấy trong “Ly-hi” [Lễ Ký ?, chú của người dịch] hay sách ghi nhớ về các lễ nghi, bắt nguồn từ học thuyết của Khổng Tử. “Hôn lễ hoàn thành sự hợp nhất giữa hai người có tên khác nhau, trong một cung cách mà họ có thể thờ phụng tổ tiên quá vãng của mình nơi điện thờ của họ và dạy bảo các thế hệ tương lai đi theo truyền thống cha ông.” Do đó chúng ta nhận thấy văn minh An Nam, sau khi vay mượn và hòa trộn với văn minh Trung Hoa trong nhiều thế kỷ, nay có khuynh hướng đi theo một đường lối cổ truyền.

Hôn nhân An Nam, theo Luro [một tác giả người Pháp chuyên về việc huấn luyện các viên chức Pháp sang phục vụ tại Đông Dương, chú của người dịch], là một khế ước tự do giữa những người mong có nó. Đúng hơn, đó là một sự thỏa thuận giữa hai gia đình. Chỉ có rất ít các thẩm quyền can thiệp mang tính công cộng. Người mai mối không phải là một quan chức, nhưng ông ta chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Chi tiết về tất cả các nghi thức hôn thú có thể được tìm thấy trong các Bộ Luật của Trung Hoa từ thế kỷ thứ mười hai trước Công Nguyên. Thoạt đầu, nó bao gồm sáu cuộc lễ, nhưng con số này đã được cắt giảm rất nhiều, và ít người tuân thủ chúng một cách tận tình.

Người mai mối thường là một người bạn của hai gia đình, nhưng tại các thị trấn lớn, ông ta thường là một người hành nghề chuyên nghiệp, quen biết với nhiều người và thông thạo mọi lễ nghi. Đàng trai trước hết phái người mai mối đến nhà gái, nơi mà lời cầu hôn sẽ được trình lên cha mẹ, và nếu câu trả lời có tính thuận lợi, gia đình người thanh niên sẽ chuyển họ tên, tuổi, ngày sinh của anh ta trong một tấm thiệp màu đỏ. Người đại diện cũng nhận được cùng thông tin như thế từ phía nhà cô gái. Khi đó họ tham khảo thầy bói để xem hai gia đình và tuổi của hai người có hợp với nhau hay không. Nghi lễ này được bỏ qua nếu cha mẹ của đôi bên đều rất lo lắng cho cuộc hôn nhân và e sợ một câu trả lời không thuận lợi. Người mai mối ấn định ngày cưới, và cùng lúc, cha mẹ gắng sức bổ sung lễ vật và lời cầu nguyện tới tổ tiên của họ. Khi đó các bổn phận của người thanh niên bắt đầu. Theo sau anh ta là một đám rước bao gồm người quen với các thân hào trong thôn xã, người thanh niên sẽ tự mình đến trình diện đúng theo các nghi thức trước gia đình nhà gái và dâng các lễ vật, chẳng hạn như trầu cau, và nhiều thứ khác …Nếu các lễ vật này được chấp nhận, kẻ cầu mong ấy kể từ lúc đó được xem là người con rể. Trong trường hợp các gia đình nghèo, anh ta sau đó sinh sống trong cùng nhà với vị hôn thê. Trong trường hợp các gia đình giàu có hơn, người thanh niên sẽ trở về nhà riêng của mình, và sẽ không quay lại thăm viếng người hôn thê cho đến ngày được ấn định là ngày hứa hôn.

Đây là lễ nghi lớn thứ nhì. Trong dịp này, một lần nữa anh ta lại dâng trầu cau, cùng các vòng đeo tay, lụa màu, hai cây nến đỏ, hai chén rượu nhỏ, và một con heo quay nhỏ.

Đám rước thì rất vui vẻ và ngoạn mục. Mọi người đều mặc trang phục đẹp đẽ nhất của họ, nhiều người mang theo lọng, những người thổi sáo trình diễn một cách say mê. Khi đến nơi cư ngụ của vị hôn thê, các lễ vật được đặt lên trên bàn thờ, những ngọn nến đỏ được thắp lên, và rượu được rót ra những chiếc chén. Hai người cha cùng đứng lên và bái lạy trước bàn thờ, kế tiếp là hai bà mẹ. Một bữa tiệc, trong đó mọi chi tiết về nghi thức phải được tôn trọng nghiêm ngặt, sẽ kết thúc buổi lễ.

Ngày cưới còn long trọng hơn nữa. Cha của chàng trai tụ tập toàn thể thân nhân của gia đình đứng trước bàn thờ, và ở đó đứa con sắp đi lập gia đình sẽ trình diện trước tổ tiên. Sau đó là lần thứ ba chàng trai tiến bước đến nhà vị hôn thê. Chàng ta được dẫn đường bởi các gia nhân bưng quà cưới và bao quanh bởi đám đông bè bạn và thân nhân. Sau màn chào hỏi ngoài trời, mọi người tiến vào bên trong và quây quần quanh bàn thờ. Hôn phu tự mình bái lạy trước bàn thờ, và rồi tiến đến cha mẹ vợ để dâng rượu và trầu cau. Trong khi đó cha của chàng trai đọc bản liệt kê các quà dẫn cưới.

Đôi trẻ sau đó được dẫn tới một buồng dành riêng cho họ, và đứng trước bàn thờ phụng thờ các vị thần của hôn nhân, trên đó nến được thắp và hương được đốt, đôi bên cha mẹ sẽ chúc đôi trẻ có đông con cháu và khuyến khích họ gìn giữ hôn phối cho đến mãn đời. Đây là lúc long trọng nhất trong toàn thể buổi lễ. Khi xưa, đó là lúc mà người vợ trẻ vén khăn che mặt lên và người chồng làm như mới thấy mặt nàng lần đầu tiên. Người vợ giờ đây sẽ bái lạy bốn lễ trước người chồng, người chồng đáp lại một lễ trước người vợ. Họ đổi chén rượu cho nhau, và cuộc lễ hoàn tất. Một bữa tiệc chỉ đôi tân hôn tham dự sau đó được diễn ra.

Hôn nhân giữa những người nghèo ít phức tạp hơn nhiều, và hôn lễ các người vợ lẽ thường chỉ gồm một hợp đồng mua bán đơn giản.

Tập tục đa thê của người An Nam thì khá là đa dạng. Nhà Vua An Nam có số lượng lớn các bà vợ, nhưng ngay như những quan lại cao cấp nhất hiếm khi nào có hơn bốn hay năm bà vợ. Người nghèo thì chỉ cần có một người vợ, bởi số lượng các bà vợ bị chi phối bởi số của cải vật chất. Một thương nhân hay quan lại du hành nhiều thường có một gia đình tại mỗi trung tâm hoạt động chính của họ, [với] người vợ đóng vai đại lý thương mại hay quản lý cho mình. Một số tác giả cho rằng tình trạng đa thê xảy ra là vì số sinh phái nữ nhiều hơn, nhưng cũng có phần do ước muốn bảo đảm được sự giàu có nhất và một dòng dõi đông đảo nhất có nhiều người tài nhất.

Người vợ hợp pháp được gọi là người vợ bậc nhất: “vợ chánh”. Bà ta nắm giữ một vị thế quan trọng trong gia đình. Bà là vị hoàng hậu của tổ ấm. Tất cả các bà vợ lẽ, gia nhân, v.v…. đều phải vâng lời bà; mọi đứa con đều kính trọng và tôn phục bà. Thời gian cư tang khi bà chết là ba năm, trong khi nếu bất kỳ bà vợ nào khác từ trần, chỉ phải cư tang một năm, còn sau đó cư tang chỉ được thực hiện bởi những đứa con riêng của người đó. Khi người cha từ trần, mọi đứa con của các bà vợ khác nhau đều nhận được tài sản thừa kế như nhau. Bà vợ chánh có một quyền lợi suốt đời trên tài sản của người chồng. Phần sở hữu của mỗi người vợ khác của ông sẽ được đem chia cho các con riêng người đó.

Có thể nhận thấy rằng người đàn bà An Nam có địa vị xã hội ở mức độ cao. Nhiều nền văn minh Tây Phương đã không thừa nhận những quyền lợi của phụ nữ ở mức độ cao hơn thế. [in đậm để làm nổi bật bởi người dịch].

Người An Nam trọng vọng kiến thức; họ chỉ lựa chọn quan lại trong số các học giả. Mọi bằng cấp đạt được ở các cuộc khảo thí tương ứng với một chức vụ trong hệ cấp, đến nỗi An Nam có thể được trưng dẫn như một nền dân chủ lý tưởng, trong đó quyền hành chỉ nằm trong tay những người có học thức uyên bác nhất. Ngay cả người nông dân nghèo khổ nhất cũng có khả năng viết được vài trăm chữ và thảo một đơn thỉnh cầu. Tại mọi làng xã An Nam, đều có một ngôi trường tiểu học, nhưng chỉ dành riêng cho con trai. Các em bé gái không đi đến trường làng. Đây là một yếu tố quan trọng cần ghi nhớ khi khảo sát cuộc sống của người đàn bà An Nam. Xem ra không có luật lệ nào cấm đoán việc đó. Trong thực tế các nhà làm luật An Nam vốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa đã biểu lộ một khuynh hướng tiến bộ trong vấn đề quyền của người phụ nữ. Và họ sẽ không bao giờ phạm phải một bất công như thế. Nó chỉ hoàn toàn là một vấn đề của phong tục, nhưng hơn bất kỳ điều gì khác, nó cản trở sự tiến bộ của phụ nữ.

Em bé gái An Nam do đó bắt buộc phải thụ lãnh sự giảng dạy mà em có thể có được tại nhà. Nếu cha mẹ em nghèo khó và không có thì giờ dạy dỗ cho em, em lớn lên gần như hoàn toàn ngu dốt. Việc học chữ nghĩa thì lâu dài và khó khăn; trí nhớ thời còn trẻ thì cần thiết, bởi chữ nghĩa không còn dễ dàng sở đắc sau thời kỳ thơ ấu. Có một số em gái nhỏ học được đủ chữ nghĩa để sau này giúp các em giữ sổ sách kế toán hay trợ giúp trong một doanh nghiệp.

Cũng có một số ít phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc và giàu có nhận được một nền giáo dục hoàn toàn thông suốt. Những người này có khả năng đọc, hiểu, và thảo luận về Nho giáo.

Trước khi người Pháp chiếm đóng, không hề có lấy một trường học dành cho con gái trong khắp cõi An Nam. Các giáo sĩ truyền đạo đã phá vỡ truyền thống này bằng việc giáo dục các em gái mồ côi. Vào thời điểm hiện nay, đã có những phụ nữ nắm giữ chức vụ trưởng cơ quan tại Sài Gòn và Hà Nội, và trong thành phố kể sau, một số cơ xưởng sản xuất đồ lụa và đồ chạm khắc chuyên được quản lý bởi phụ nữ.

Những người vợ của các nghệ nhân vốn nổi tiếng là sắc sảo và tinh khôn trong việc kinh doanh y như chồng của họ, và vì lý do này, điều thường thấy là các thương gia Trung Hoa lại hay chọn lấy vợ là người An Nam.

Những người vợ chánh của các quan lại không làm việc tay chân, bởi việc đó được xem là hạ bớt phẩm giá của mình. Đôi khi họ có làm bánh kẹo cho vui, nhưng những công việc hàng ngày trong gia đình, chẳng hạn như chuẩn bị bữa ăn, khâu vá và quét dọn, đều được dành cho những người đàn bà khác trong gia đình. Họ không bao giờ dệt vải hay thêu thùa, trong thực tế, làm sao mà họ lại có thể làm việc đó bởi móng tay của họ được giữ cho mọc dài đến 10 hay 15 phân! Họ dùng phần lớn thời gian cho ca hát và âm nhạc.

Điều khá ngạc nhiên là phụ nữ An Nam, vốn là những người mẹ khỏe mạnh và hoàn hảo một cách tự nhiên, nhất là các bà thuộc tầng lớp giàu có hơn, không bao giờ tự nuôi nấng các con nhỏ của mình, mà lại để chúng cho một vú em được trả tiền công nuôi dưỡng. Một vị quan lại cho tôi hay rằng chỉ có một trong cả ngàn người tự mình nuôi nấng con nhỏ.

Hoa lá được bày biện bởi các bà vợ lẽ trong gia đình, cũng là những người chịu trách nhiệm về cây cảnh và các khu vườn nhân tạo thu nhỏ trong nhà. Một trong những công việc chính yếu khác là cung cấp cho đầy đủ và sắp xếp tráp đựng trầu cau. Phần lớn thì giờ cũng được dành cho việc tắm rửa, và có lẽ không thể kể hết các chi tiết về việc này; các sự tắm rửa và mọi loại đấm bóp, môi và lông mày để tô điểm, móng tay để bôi sơn, các y phục khác nhau để mặc thử, kiểu tóc để thay đổi, các loại dầu thơm khác nhau được chọn cho bàn tay của nàng, và sau hết nhưng không phải là ít quan trọng nhất, là nụ cười để tập cười khi soi gương. Bà ta có hút một số loại thuốc lá nhỏ mỏng manh. Bà vợ của vị quan lại không hề bị cấm cung, và bà thường đi thăm viếng vợ các quan lại khác. Nhưng thú tiêu khiển chính của bà ta là đánh bài; có lẽ không thậm xưng khi nói hơn một nửa cuộc đời của bà ta là dùng để chơi bài.

Nhiều bà vợ của Hoàng Đế An Nam cũng dùng thời giờ phần lớn cùng một cách như thế. Những quân vương toàn quyền năng này lúc nào cũng muốn bao quanh mình một hoàng cung trong đó phái nữ chiếm ưu thế. Những văn bản về An Nam do đàn ông viết đã nói đến hàng trăm bà vợ của ông vua. Trong khi một quân vương chỉ có quyền có ba bà vợ chính thất hạng nhất, các quận chúa thuộc hạng thứ nhì thì vô số, bởi tất cả các quan lại nhiều quyền thế đều mong muốn một trong số các con gái của mình sống trong hoàng cung. Nhưng sẽ là điều sai lầm nếu kể trong số những phụ nữ được sủng ái trong cung bao gồm cả các vũ công, đào hát, ca nữ, và kịch sĩ thường hay lui tới nơi này. Nhà Vua được phục vụ bởi các bà vợ quỳ gối [tuyệt đối phục thị].

Có một câu thành ngữ của An Nam rằng, “Ớt nào mà ớt chẳng cay, Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng” [trong nguyên văn dịch khá bóng bảy như sau: Where is the pimento that is not peppered? Where is the woman who is not jealous?, chú của người dịch]. Sự cạnh tranh và ganh đua giữa những người đàn bà trong cung đôi khi đến mức không thể tin được. Nhiều mưu mô được hình thành, nhiều sự lừa gạt và thủ đoạn được thực hiện nơi cung cấm. Trong bầy thiếu nữ nổi tiếng là những người đẹp nhất tại An Nam, tất cả các nguồn lực của sự thông minh và điệu nghệ, tất cả các nét tinh xảo của trang phục, đều được vận dụng. Một người đàn bà nào đó tự tin về sắc đẹp và sự quyến rũ của mình, bởi nàng đã được lựa chọn trong số các bạn đồng hành trong nhiều tháng. Tuy nhiên, các nỗ lực không được buông lơi, mục tiêu của mọi người đàn bà là làm vừa lòng vị quân vương, làm vừa lòng với bất cứ giá nào.

Để xuất hiện trong các buổi lễ tại hoàng cung, trang phục không thể nào được phó mặc cho sở thích may rủi. Các sắc dụ cổ xưa quy định màu sắc của lụa may và mức độ đậm đặc của hình thêu. Dù sao đi nữa, vẫn còn chỗ cho sự khéo léo cá nhân.

Khi tắm rửa xong, họ mang bài ra chơi, hay những người thông minh hơn trong số họ cho mời các thầy dạy đọc trong cung và lắng nghe say mê những câu chuyện phiêu lưu hay tình ái. Họ hút thuốc liên tục, cùng lúc uống trà, thưởng thức bánh trái và mứt gừng. Các bà vợ của nhà vua bày biện hoa lá trong các phòng trong cung điện và chất đầy tráp đựng trầu cau. Những phụ nữ được sủng ái của Hoàng Gia hiếm bao giờ được trông thấy bên ngoài cổng cung điện, hay giữa công chúng.

Trước khi mô tả cho tôi các tính chất tổng quát của vẻ đẹp đặc thù ở xứ sở này, một vị quan lại rất cẩn trọng giải thích rằng “phẩm chất tinh thần và đức hạnh thì quan trọng hơn nhiều so với vẻ đẹp bên ngoài khi đặt ra vấn đề lựa chọn một người vợ.” Trên đây là những lời của chính ông ta. “Ngoài ra,” ông nói thêm, “chàng thanh niên không phải là người có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề này.”

Dù sao đi nữa, các nhà thơ và tình nhân của xứ sở này đã phác họa một nhân dáng lý tưởng có phần nào đó như sau:

Kích thước vòng eo không được quá hiển hiện, bởi nếu nó quá lớn hay qua nhỏ, sẽ tạo ra một sự thiếu hòa hợp.

Tóc dài nhất và đen nhất là đẹp nhất.

Khuôn mặt phải có hình trái xoan dài, và phải có nét cân đối toàn diện. Người Trung Hoa thích khuôn mặt tròn. Về vẻ đẹp phái nam, người An Nam đòi hỏi các nét góc cạnh và xương gò má nhô cao. Trích dẫn, hay đúng hơn ghi lại lời một nhà thơ bản xứ, rằng “Mắt của người đáng yêu thì sáng rực như đôi mắt phụng, lông mày của nàng có những đường cong thanh tú vút ra như mày của con tằm. Gót chân nàng thì đỏ như son.” Câu này đã trở thành một câu thành ngữ phổ thông, có lẽ là một trong những câu nổi tiếng nhất đối với người An Nam.

Mắt phụng, “Eye of an eagle”
Mày tằm, “eyelash of a silkworm”
Gót son, “Heel like red ink” [các phần dịch ra Anh ngữ là trong nguyên bản, chú của người dịch]

Không cần sự tưởng tượng lớn lao để thẩm định vẻ đẹp của một cái liếc nhìn chế ngự sâu đậm, mãnh liệt như đôi mắt của con chim phụng; nhưng chỉ riêng người Á Châu mới tán thưởng triệt để nét cong lý tưởng của lông mày! Và chúng ta sẽ nói được gì về gót hồng, gót son đỏ thắm, bàn chân nhỏ bé được tô màu đỏ bởi một nét phất bút nhẹ nhàng của một nàng tiên! Sự ngưỡng mộ này, mang tính An Nam rất điển hình, phần nào làm chúng ta ngạc nhiên. Làm sao mà một nét thẩm mỹ như thế lại bị lãng quên bởi người Âu Châu, trong khi đối với toàn thể sắc dân này, nó là một đường nét có tầm quan trọng hạng nhất. Đây là lý do tại sao người phụ nữ An Nam lại có thể bỏ đôi giầy để đi chân không, hay mang một chiếc dép tí hon chỉ che phủ đầu ngón chân.

Liệu có thể có bất kỳ mối quan hệ nào giữa khiếu thẩm mỹ đặc biệt này của người An Nam với điều đã thúc đẩy người Trung Hoa làm biến dạng bàn chân người phụ nữ của họ? Nhưng điều đáng ghi nhận là tại Trung Hoa phụ nữ cực kỳ lưu tâm đến bàn chân. Sẽ bị xem là thiếu nhã nhặn khi người đàn bà tại Đế Quốc Thiên Triều này để lộ bàn chân của mình, và các họa sĩ luôn luôn trình bày chúng trong trạng thái được che dấu bên trong y phục. Người An nam không có kiểu thái độ khiêm tốn đặc biệt này, và, như tôi đã viết ở trên, họ thẳng thắn ngưỡng mộ gót son.

Bàn tay phải nhỏ, ngón tay phải dài và thon. Cổ tay tròn lẳn và trắng là nét quan trọng.

Người An Nam cũng phê bình về giọng nói – họ ngưỡng mộ âm thanh nhỏ nhẹ và êm tai.

Cách đi và dáng điệu của phụ nữ An Nam thì thanh nhã nhất. Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, người đàn bà đã tập đi, mặt ngước cao, ngực ưỡn, không mang vẻ cứng ngắc hay khoe mình, và đôi tay đong đưa tự nhiên, chuyển động nhịp nhàng.

Nụ cười làm hiện ra đôi má lúm đồng tiền thì mang vẻ quyến rũ đối với họ cũng như đối với chúng ta.

Lịch sử và văn chương lưu truyền cho chúng ta rất ít danh tính của những người đàn bà nổi tiếng. Trong số những người nổi tiếng nhất phải kể đến nữ anh hùng đất Đông Kinh [Bắc Việt], Nữ Vương họ Trưng, là người, sau khi giải thoát đất nước ra khỏi sự đàn áp của Trung Hoa, đã trị vì từ năm 39 đến năm 36 trước Công Nguyên. Bà được trợ giúp bởi người em gái, Trưng Nhị. Khi Trung Hoa một lần nữa chiếm đoạt xứ sở, hai vị nữ anh hùng đất Bắc đã tự kết liễu đời mình trong oanh liệt.

Trong những thời khoảng khó khăn hay đói kém, hay trong một số thiên tai toàn quốc lớn lao, phụ nữ thuộc tầng lớp giàu có hơn thường nổi bật. Một số Hoàng Hậu Nhiếp Chính, mà người An Nam gọi là các Mẹ Vua hay “Hoàng Thái Hậu”, đã tham gia việc chính trị. Thí dụ, mẹ của vua Tự Đức đặt ra điều lệ xem xét mọi chỉ dụ trước khi được tuyên sắc. Trên sân khấu và trong thi ca, phụ nữ thường được khắc họa như tự mình đối đầu với hiểm nguy và thực hiện các chiến công để giải thoát hay trả thù cho người chồng.

Chỉ có rất ít tội phạm trong giới phụ nữ, tỉ lệ thấp hơn đàn ông rất nhiều. Cũng có vẻ là có ít gái lầu xanh ở An Nam hơn so với Trung Hoa. Phụ nữ Trung Hoa không bao giờ được nhìn thấy trên sân khấu, các vai của phụ nữ luôn luôn do đàn ông đảm nhiệm. Tuy tại An Nam phụ nữ đóng vai trò tích cực trong các màn trình diễn, nhưng dù thế, cả nữ diễn viên và vũ công đều bị cho là rất thấp kém trong bậc thang xã hội, và bị khinh miệt một cách công nhiên.

Người phụ nữ An Nam không bao giờ hút thuốc phiện. Điều khó hiểu là mặc dù một người đàn ông mắc vào thói hư này vẫn được đối xử với sự dung dưỡng, thì một người đàn bà sẽ chỉ chuốc cho mình một sự sỉ nhục lớn lao nhất nếu bắt chước người đàn ông.

Việc giết con thì cực kỳ hiếm có, những người bản xứ mà tôi dò hỏi tin tức còn cho rằng một việc như thế không thể có được.

Phụ nữ đi thăm viếng lẫn nhau, nhưng không bao giờ đón tiếp một cuộc thăm viếng của một người đàn ông. Mặc dù họ không bị gạt ra ngoài các buổi lễ công cộng, họ đóng một vai trò không quá nổi bật trong các buổi lễ đó.

Người vợ không được phép ngồi ăn cùng lúc với người chồng, ngay dù trong ngày đám cưới, hay trong bất kỳ thời điểm nào ở tương lai. Chính vì thế, điều đương nhiên là người đàn bà sẽ không bao giờ tham dự cùng với những người đàn ông khác trong bất kỳ bữa ăn công khai nào. Trong các tầng lớp thấp kém hơn, nghi thức nghiêm khắc này dĩ nhiên phải được nới lỏng hơn, nhưng cũng chỉ xảy ra trong trường hợp cần thiết và bất đắc dĩ.

Người phụ nữ được phép đi xem hát, là sinh hoạt mà họ biểu lộ sự thích thú nồng nhiệt nhất; tuy nhiên, ghế ngồi của họ luôn luôn được tách biệt khỏi chỗ ngồi của đàn ông.

Một người Âu Châu đến thăm viếng một quan lại An Nam không thể hỏi thăm các bà vợ của ông ta. Trừ khi đó là một người bạn hay có quan hệ thân thiết, nếu không, một câu hỏi như thế bị xem là một sự sỉ nhục.

Trong thời kỳ sinh nở, phụ nữ được chăm sóc bởi các bà đỡ (bà mụ). Một bác sĩ có thể đến thăm bệnh vì những sự ốm đau khác, nhưng không bao giờ vì việc này. Ông ta không làm gì nhiều hơn là xem mạch, và ngay khi đó ông cũng cẩn thận lót mảnh vải ngăn cách những ngón tay của ông với làn da của nữ bệnh nhân. Đối với một người An Nam, mời một bác sĩ người Pháp vào thăm bệnh nhân trong gia đình của mình cho thấy họ đã gạt bỏ lớn lao các thành kiến, và đây là một bằng chứng của cực kỳ tin tưởng.

Chính vì thế, chúng ta nhìn thấy người đàn bà An Nam có vẻ khác biệt với phụ nữ Tây Phương trong cung cách và phong tục nhiều hơn là về vị thế xã hội. Bà nhận được sự kính trọng và lòng hiếu thảo tại ngôi nhà của mình và luật pháp thừa nhận bà có những quyền hạn thực sự rộng rãi; khi nhớ đến tục bó chân đôi khi đày đọa phụ nữ Trung Hoa, chúng ta nhận thức được rằng người đàn bà An Nam đã được đối xử tốt đẹp biết bao so với một số những người đàn bà láng giềng ở miền viễn Đông.

Gia đình An Nam, được quản trị bởi các nguyên tắc như thế, hẳn phải có một tương lai thịnh vượng trước mặt.

Nếu tục thờ cúng tổ tiên đã đóng góp lớn lao vào sự vững chắc của cuộc sống gia đình và sự vĩ đại của dân tộc, nó cũng có khuynh hướng khiến sắc dân phóng đại truyền thống. Tôn giáo này không nhất thiết chống lại sự tiến bộ, như người Nhật đã minh chứng. Nếu chúng ta muốn biết về các khả tính của sắc dân An Nam và muốn nhận thức giá trị đạo đức của họ, chúng ta chỉ cần nhìn vào đời sống gia đình An Nam và sự đối xử đầy kính trọng của họ dành cho người phụ nữ. [in đậm để làm nổi bật bởi người dịch].

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Gabrielle M. Vassal, On & Off Duty in Annam, London: William Heinemann, 1910, các trang 132-147

Nguồn: ordi.vn/phu-nu-tay-phuong-nhin-phu-nu-viet-nam-100-nam-truoc.html


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays