Tất tần tật các đặc sản nức lòng “vùng đất lửa”
Quảng Trị, mảnh đất nơi dải đất miền Trung, thời tiết khắc nghiệt nắng lắm, mưa nhiều, nhưng lại có một nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng và vô cùng tinh tế. Để hiểu thêm về con người, văn hóa sống của vùng đất này, bạn đừng quên khám phá ẩm thực Quảng Trị qua các món ăn chứa đựng cả nhân sinh quan của con người nơi đây. Sau đây là những món ăn ngon ở Quảng Trị bạn nên thưởng thức nếu có dịp du lịch đến vùng đất lịch sử hào hùng này.
Bắp hầm
Để có được món bắp hầm ngon này người ta phải chọn những hạt bắp nếp căng tròn bóng bẩy sáng loáng vàng tươi để hầm. Đãi thật sạch và ngâm sau một đêm, sáng sớm còn rất sớm, người ta vớt ra khi những giọt sương đêm chưa kịp rụng, bỏ vào nồi và đun nhẹ lửa bằng củi khô.
Đợi khi bắp vừa chín tới thì bật nồi cho những thứ gia vị đã chuẩn bị sẵn từ trước, như đậu xanh luộc, đường, muối, tiêu, thêm một ít mè (vừng) trộn đều vào nhau. Món này thường được bán vào buổi sáng khắp mọi nơi ở Quảng Trị.
Cà phê Khe Sanh
Quảng Trị cũng là một vùng đất nổi tiếng với cà phê, trong đó giống arabica với vị chua thanh được nhiều người yêu thích. Nếu đến với mảnh đất này nhớ thưởng thức một ly cà phê và mua về làm quà nhé. Bởi cà phê ở đây vô cùng đặc biệt, thơm ngon, quyến rũ.
Bánh bột lọc Mỹ Chánh
Thứ bánh rẻ tiền, nguyên liệu dễ tìm, chẳng có gì đặc biệt nhưng lại mang hương vị riêng biệt – là một trong những món ngon Quảng Trị. Bánh làm từ củ sắn mài nho nhỏ với nhân bên trong có thể là thịt lợn, thịt gà, tôm, đậu xanh. Nổi tiếng nhất ở Quảng Trị là bánh lọc Mỹ Chánh. Vỏ bánh không bị chua hay nồng mà rất thanh. Nhìn từng chiếc bánh nhỏ xinh, trong suốt để lộ hình tôm đỏ hồng bên trong hấp dẫn không tả.
Bánh khoái Quảng Trị
Bánh khoái Quảng Trị được làm từ bột gạo, có chỗ cho thêm nấm rơm, hải sản, tuy nhiên, phổ biến nhất thì chỉ đơn giản với nhân tôm thịt giá đậu mà thôi. Bành khoái nhỏ nhắn bằng bàn tay, vừa ăn, vỏ bánh dày và giòn rụm.
Điểm quan trọng không thể thiếu khi ăn bánh khoái là các loại rau kèm và nước chấm. Rau thì tùy từng nơi, dù thế nào cũng đủ các loại chính: cải non, chuối chát và trái vả xắt lát. Còn nước chấm, mà người Quảng Trị gọi là “nước lèo” mới thật hấp dẫn. Chế biến theo công thức riêng từ ruốc, gan và nạc heo xay nhuyễn, lạc vừng giã nhỏ, tỏi, ớt bột… nêm nếm khéo léo, thứ nước chấm này làm cho bánh khoái thật sự tròn vị.
Bánh ướt Phương Lang
Cũng giống như bánh ướt ở các vùng khác trong cả nước, nguyên liệu chính làm bánh ướt ở Phương Lang chính là gạo. Gạo sau khi được vo sạch sẽ được ngâm nước trong một đêm. Sáng sớm hôm sau, thợ làm bánh sẽ tiến hành công đoạn xay gạo thành bột nước, rồi tráng trên hơi nước sôi. Cách tráng bánh rất đơn giản: dùng một miếng vải có độ dày vừa phải, tráng một lớp bột lên trên đó, sau đó để trên nồi hơi đậy nắp vung nồi nước sôi lại. Sau một lúc thì lấy bánh ra. Bánh phải được tráng không quá dày mà cũng không được quá mỏng. Sau khi tráng xong, bánh sẽ được xếp chồng lên nhau. Để bánh nguội rồi dùng hoặc có thể sử dụng liền. Khi dùng bánh, người bán sẽ tách từng cái bánh ra cuốn lại và cho lên dĩa.
Thịt trâu lá trơng
Trâu lá trơng là một trong những món ăn ngon và nổi tiếng ở tỉnh Quảng Trị, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam lựa chọn vào top “20 món ăn Việt Nam mới lạ”
Thịt trâu khá phổ biến ở khắp các vùng miền của đất nước Việt Nam, nhưng ở Quảng Trị, thịt trâu được chế biến và ăn kèm với một loại lá thường mọc ở vùng rừng núi Quảng Trị là lá trơng. Lá trơng sờ vào thấy cứng, có gai nhọn nhỏ ở phần rìa lá và gân sau của lá. Loại lá này có mùi thơm rất riêng biệt và chút cay nồng, thường dùng cuốn với thịt trâu ướp nướng, trâu hấp hoặc thái mỏng với món thịt trâu xào. Thịt được chọn chế biến các món ăn này phải là thịt trâu non (mềm, ngọt).
Bún chắt chắt Mai Xá
Đây là một đặc sản của làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh). Món này thường được gọi là bún hến nhưng vị ngon nổi tiếng lại đến từ chắt chắt – một loài thuộc họ hến nhưng nhỏ và màu đậm hơn. Vì nhìn ngoài, 2 loại này khá giống nhau nên người ta ăn bún chắt chắt mà lại cứ ngỡ mình ăn bún hến.
Chắt chắt phi thơm hành, gia vị đến săn lại rồi đổ nước vào, thêm vài miếng gừng là xong nồi nước dùng ngon lành. Cho bún vào tô, thêm nhúm rau thơm lên trên và chan nước dùng vừa làm. Khi ăn, giã thêm chén muối ớt tươi cùng gừng, sao cho thật cay, thật nhuyễn để bên cạnh thưởng thức chung.
Bún nghệ
Nguyên liệu chính của món này là lòng heo, bún, nghệ tươi giã nhỏ. Lòng mua về làm sạch bằng nước cốt chanh hay dấm cùng muối và rượu trắng để đỡ mùi. Sau khi làm sạch thì cắt miềng vừa ăn ướp cùng gia vị. Nghệ tươi cạo vỏ đập đập, băm nhỏ. Lòng sau khi ướp thấm thì đưa vào xào cùng với hành tím, tỏi cho săn lại rồi bỏ nghệ băm nhỏ vào xào đến lúc chín thì cho bún vào xào tiếp, nêm gia vị và hành ngò vào. Ở Quảng Trị thường xào bún lòng nghệ bằng thau nhôm hoặc nồi nhôm to rồi để trên bếp lửa liu riu bán dần dần cho khách. Phần bún cháy dưới đáy nồi rất ngon, nó vừa giòn, vừa thấm gia vị ăn rất mê. Bún nghệ ở Quảng Trị thường được bán rong vào đầu giờ chiều. Các mẹ các chị có thể gánh hoặc để sau chiếc xe đạp cũ kỹ, nhưng ko quên chở theo một bếp lửa than liu riu và trên đó là nồi bún lòng xào nghệ đang bốc khói nghi ngút và thơm lừng.
Cháo bột lọc rong biển
Cháo bột lọc rong biển không chỉ xuất hiện trong bữa cơm các gia đình mà còn là món ăn chính trong các bữa tiệc tại Quảng Trị. Một tô cháo thường bao gồm bột lọc (người dân địa phương gọi là bột sắn), sườn hầm mềm, chả cua quết, trứng cút… và rong biển. Một số nơi còn nấu với tôm để nước dùng thêm ngọt. Bột lọc được nấu chín tới nên dai nhưng vẫn giữ được độ mềm vừa phải. Cái dai của bột lọc hòa quyện với cái giòn giòn, sật sật của rong biển rất hợp. Nếu ăn kèm cháo với một chén nước mắm tiêu ớt thì không còn gì sánh bằng.
Cháo cá vạc giường
Cháo cá vạc giường còn được gọi người dân địa phương thường gọi là cháo bánh canh. Đây là món ăn mà người dân Quảng Trị thường mời khách khi tới nơi này. Cái tên cháo cá vạc giường bởi sợi bột của cháo có hình khối dài như giống chiếc vạc giường.
Đặc trưng của món cháo là cá lóc. Cá được chọn nấu cháo phải thật tươi, còn sống. Điều đặc biệt là người ta giữ lại ruột cá, chứ không bỏ đi. Cá lóc sau khi được làm sạch xong, để nguyên con luộc vừa chín tới, sau đó tách thịt ra ướp kỹ cùng với các gia vị khác như muối, tiêu, ném, ớt, nước mắm… để thịt thêm phần đậm đà. Ném là một gia vị đặc trưng quan trọng không thể thiếu của món ăn này. Hạt ném có màu trắng, tròn, kích thước bằng hạt sen. Phần xương cá lóc được cho vào nồi đun nhừ để làm nước dùng. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngon ngọt của nước dùng, vị đậm đà mặn mà của cá đã thấm gia vị, vị dai ngon của sợi bột, cùng vị cay nồng của tiêu, ớt.
Cháo bột vịt
Cháo bột vịt được nấu bằng bột lọc, bột gạo hoặc bột mì. Điều đặc biệt khiến món cháo này trở nên hấp dẫn đó là: Cháo thường được nấu với vịt cỏ – một loại vịt chắc thịt và ít mỡ. Thịt vịt sau khi được chặt nhỏ và ướp các gia vị như nước mắm,tiêu, ném, ớt, gừng, bột ngọt… khoảng 1 tiếng là có thể nấu được.
Một tô cháo bột vịt thường có nước dùng rất thơm ngon và đậm đà. Cháo sẽ ngon hơn khi ăn kèm với hành, tiêu và một chén nước mắm gừng. Du khách thưởng thức món ăn này sẽ được cảm nhận được vị ngon của sợi bột nóng dai, cùng thịt vịt mềm, chắc thịt mà không kém phần đậm đà, thơm ngon cùng vị cay nồng mặn mà của nước mắm và tiêu gừng ớt đính kèm.
Bánh đúc rau câu
Bánh đúc rau câu là món ăn ngon, bổ, rẻ, vừa mang giá trị dinh dưỡng cao, lại rất dễ làm. Món ăn này được biết đến đầu tiên ở Thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Nguyên liệu duy nhất của món ăn này chính là rau câu. Rau câu sau khi hái về, được đựng trong rá nhựa có lỗ nhỏ và rửa sạch dưới vòi nước chảy để lọc hết cát sạn. Sau đó cho vào nồi nước đang sôi và ninh nhừ nhỏ lửa tới khi cô lại, có màu xanh đậm. Rau câu được múc ra chén đã lót qua một lớp lá bai. Khi rau câu đông thành bánh có hình nửa cầu dẹt theo hình dạng chiếc bát. Điều đặc biệt là loại bánh này không cho thêm bất cứ phụ gia hoặc gia vị nào, nên vẫn giữ được mùi vị tự nhiên của rong biển và hàm lượng dinh dưỡng chứa trong đó. Bánh đúc rau câu được ăn kèm với đường hoặc ruốc pha kèm tỏi, chanh, ớt.
Mít thấu
Món mít thấu Quảng Trị được làm từ rất nhiều nguyên liệu như mít non, miến dong, da heo, đậu phụ, rau sống, lạc rang… Mít non bỏ vỏ, thái miếng vừa phải, cho vào nồi, đậy kín nắp và luộc già lửa đến khi chín mềm. Băm nhỏ (hoặc xé nhỏ) mít non vừa luộc.
Mít thấu thường ăn kèm với rau sống, mì chiên giòn, và đậu phụng. Món ăn dân giã này được các bạn trẻ rất ưa chuộng, một phần bởi giá cả rất “bình dân”, nhưng điều lôi cuốn hấp dẫn vẫn là hương vị đậm đà được hòa trộn bởi đậu phụng rang giòn, miến dong dai dai, mít non bùi bùi, và không thể thiếu vị cay nồng của ớt.
Canh ám cá tràu làng Lam Thủy
Canh ám (ngôn ngữ địa phương đọc là Keng Ám) được nấu từ 2 loại thực phẩm chính đó là cá lóc (còn gọi là cá tràu) và rau Sông. Muốn nấu canh ngon thì cá lóc phải là cá lóc đồng, nếu cá có trứng là càng tuyệt vời. Còn rau sông thì phải vừa hái từ trên cây xuống và rửa sạch.
Khi thưởng thức nước canh rau sông vừa béo, vừa có vị chua nhạt, vị chát. Nhiều người ăn chỉ cần chan nước canh này với cơm trắng thôi cũng thấy rất ngon rồi. Người ta thường ăn canh rau sông kèm với rau sống.
Rau xà lách xoong
Rau xà lách xoong có nhiều ở vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Người dân địa phương quen gọi là rau liệt, vì cả cây rau mọc sát trên đá. Rau xà lách xoong có thể được chế biến thành nhiều món bằng nhiều cách khác nhau: nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống hay đem xào qua với thịt bò. Nhưng có lẽ ngon nhất là xào với thịt bò, nói là xào với thịt bò nhưng phải đợi khi thịt bò đã chín và thấm gia vị rồi tắt lửa sau đó mới bỏ rau vào, làm như vậy ngọn rau chỉ nửa sống nửa chín, ăn rất giòn.
Xà lách xoong là một đặc sản dân dã của vùng Quảng Trị, đến vùng đất này thì bạn nhớ đừng bỏ qua món ngon này.
Gỏi tép nhảy Bàu Trạng
Khu vực Vĩnh Tú, Vĩnh Linh được thiên nhiên ban tặng cho hồ nước rộng mà người dân ở đây quen gọi là Bàu Thủy Ứ. Bàu Trạng là một nhánh nhỏ nằm trong khu vực bàu Thủy Ứ rộng lớn đó. Ở bàu Trạng với diện tích mặt nước lớn cho tôm cá nhiều. Mà tiêu biểu ở đây là con tép loại thủy sản nhỏ hơn tôm – nguồn nguyên liệu chính để làm nên món tép nhảy Bàu Trạng trứ danh. Tép được kéo từ bàu lên đang nhảy tanh tách đưa vào sơ chế râu, chân rồi đưa đi ngâm nước muối. Sau đó vớt ra, cho lạc rang chín, rau ngò tây cắt mịn và một số gia vị vào là đã có một món gỏi không nơi nào có! Trước khi ăn tép thì cần vắt chanh ra bát lấy nước (càng nhiều chanh càng làm tép nhanh chín) rồi rưới lên tép và trộn đều. Trong khi chờ tép chín ta lấy mù tạt và xì dầu ra để pha nước chấm với tép. Các đồ ăn kèm gồm rau cải non và bánh đa nem.
Nem chợ sãi
Nem được làm từ thịt nạc đùi, nạc thân hoặc vai sau đó rửa sạch, để ráo nước và xay cùng với gia vị. Riêng phần da, sau khi lọc sạch mỡ, chần qua ở nước sôi rồi thái thành từng sợi nhỏ. Sau đó trộn đều thịt và da vào với nhau và gói kỹ bằng lá chuối tươi cùng vài lát ớt đỏ và ít hạt tiêu, rồi buộc lại thành từng cặp. Nem được để chín trong nhiệt độ thường, thoáng khí, sau 3 – 5 ngày là dùng được.
Gạo Triệu Phong
“Gạo sạch Triệu Phong” là sản phẩm của phương thức sản xuất, canh tác lúa trên đồng ruộng không sử dụng bất kỳ loại thuốc hay phân bón hóa học nào.
Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là món ăn đặc trưng không bao giờ thiếu trong các dịp lễ, Tết ở Quảng Trị. Các nguyên liệu chính làm nên món bánh này rất đơn giản, bao gồm bột nếp, đậu xanh cà vỏ, dừa nạo sợi, đường, mè, lá chuối; và đặc biệt không thể thiếu lá gai. Người ta thường chọn lá gai không quá già (vì nhiều xơ) hoặc không quá non (vì ít bột) để làm bánh. Quy trình chế biến lá gai khá công phu: Lá gai được tước bỏ gân, cho vào nồi nước sôi luộc sao cho đừng chín nát đen, sau đó vớt ra để ráo nước; Công việc tiếp theo là quết lá: cho lá gai vào cối giã đến khi nhuyễn mịn thì cho bột nếp, đường vào rồi tiếp tục giã. Công việc “lèn bột” đòi hỏi người làm phải có tính kiên nhẫn, một tay giả, một tay dùng vá đảo liên tục để bột được mịn đều. Nhân bánh ít được làm rất đơn giản. Hạt đậu xanh bóc vỏ sau khi ngâm trong nước nóng khoảng 2-3 tiếng sẽ cho vào nồi hấp hoặc nấu nhừ. Dùng đũa quấy cho nát đậu rồi trộn thêm đường, dầu chuối, hoặc dầu bưởi (tùy theo khẩu vị). Một số địa phương còn cho thêm dừa nạo (đã ngâm qua nước sôi) để tăng hương vị của món bánh. Bột bánh quết xong vắt dẹt ra từng mẩu nhỏ, cho nhân đậu xanh vào giữa, rồi vo lại thành khối tròn bằng quả cau, sau đó lăn qua một lớp mè. Bánh được gói bằng lá chuối thành hình chóp tứ giác trước khi đem hấp cách thủy. Bánh ít ăn vào có cảm giác dẻo dẻo, bùi bùi; thơm mùi lá gai hòa lẫn vị ngọt của nhân đậu và nếp.
Bánh tét mặt trăng
Đây là loại bánh chỉ có ở Làng Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng. Nguyên liệu chính của loại bánh này là nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ lợn. Loại bánh này có màu xanh rất đặc biệt, để có màu xanh đó thì gạo nếp được ngâm cùng với nước giã từ lá rau ngót. Ngoài nhiệm vụ nhuộm xanh cho bánh thì nước lá rau ngót còn làm cho bánh có mùi thơm, không bị ngán. Sau khi luộc xong, lát bánh được cắt ra khi dọn lên đĩa có hình thức rất đẹp, phần nếp nấu chín có màu xanh của lá, ở giữa phần nhân được làm bằng đậu xanh có hình mặt trăng. Với bề mặt tạo hình như vậy nên người dân ở đây đặt cho nó là Bánh tét mặt trăng. Ngày trước bành tét mặt trăng chỉ được làm trong các dịp lễ tết, ngày nay bánh được làm quanh năm.
Rượu Kim Long
Rượu Kim Long là một trong 4 loại rượu ngon có tiếng nhất hiện nay. Rượu có độ tinh khiết cao, sủi tăm lăn tăn, uống có mùi vị thơm cay, có độ cồn cao (từ 40 – 50 độ) nhưng êm dịu và không đau đầu.
Nước mắm Mỹ Thủy
Nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị từ lâu đã nổi tiếng bởi chất lượng và hương vị đặc trưng của nước màu vàng cam, ai đã thưởng thức một lần thì không thể quên được.
Mắm đam Trà Trì
Làng Trà Trì, xã Hải Xuân nổi tiếng với đặc sản mắm đam (thường gọi là mắm cua đồng). Loại mắm được làm từ con đam (cua đồng) bắt ở đồng ruộng; người dân ở đây bắt đam ở ngoài đồng, đem về ngâm nước vài hôm cho nhả hết bùn đất, sau đó cho vào cối giã nhuyễn, thêm vài gáo nước lã rồi vớt ra lọc lấy nước cua; cho muối hạt vào nước đam đã được lọc và khuấy đều; sau đó, cho vào hũ sành đậy kín (muốn thơm ngon thì cho vài lát măng tre xắt nhỏ). Trong vòng một tuần lễ là dùng được mắm, khi nào ăn thì múc ra cho thêm phụ gia như ớt chín, vài lát gừng, lá hành và một ít đường, bột ngọt.
Theo QuangTriTourist & cungphuot
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759