Ẩm thựcDu lịch Quảng TrịĐiểm đến miền Trung

Những món ăn nên thưởng thức khi đến Quảng Trị

Share

Quảng Trị – mảnh đất nơi dải đất miền Trung, thời tiết khắc nghiệt nắng lắm, mưa nhiều, nhưng lại có một nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng và vô cùng tinh tế. Để hiểu thêm về con người, văn hóa sống của vùng đất này, bạn đừng quên khám phá ẩm thực Quảng Trị qua các món ăn chứa đựng cả nhân sinh quan của con người nơi đây. Sau đây là những món ăn đặc sản bạn nên thưởng thức khi đến Quảng Trị.

Có thể bạn quan tâm:

Gỏi tép nhảy Bàu Trạng, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh.


Du lịch, cho thuê xe tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://viettraveler.com.vn


 

Khu vực Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị được thiên nhiên ban tặng cho hồ nước rộng mà người dân ở đây quen gọi là Bàu Thủy Ứ. Bàu Trạng là một nhánh nhỏ nằm trong khu vực bàu Thủy Ứ rộng lớn đó. Ở bàu Trạng với diện tích mặt nước lớn cho tôm cá nhiều. Mà tiêu biểu ở đây là con tép loại thủy sản nhỏ hơn tôm – nguồn nguyên liệu chính để làm nên món tép nhảy Bàu Trạng trứ danh. Tép được kéo từ bàu lên đang nhảy tanh tách đưa vào sơ chế râu, chân rồi đưa đi ngâm  nước muối. Sau đó vớt ra, cho lạc rang chín, rau ngò tây cắt mịn và một số gia vị vào là đã có một món gỏi không nơi nào có! Trước khi ăn tép thì cần vắt chanh ra bát lấy  nước (càng nhiều chanh càng làm tép nhanh chín) rồi rưới lên tép và trộn đều. Trong khi chờ tép chín ta lấy mù tạt và xì dầu ra để pha nước chấm với tép. Các đồ ăn kèm gồm rau cải non và bánh đa nem.

Cách thưởng thức: Lấy một miếng bánh đa nem rồi bốc một nhúm cải non, xúc một thìa tép đang búng tanh tách, quấn tất cả lại với nhau. Chấm vào nước mù tạt, xì dầu rồi thưởng thức. Cảm nhận đầu tiên là cái cay của mù tạt, và cải xộc thẳng lên mũi, tiếp theo vị ngọt, giòn của tép, vị bùi bùi của lạc rang như hòa quyện làm một. Cắn một miếng lại muốn cắn tiếp miếng thứ hai và cứ thế dĩa gỏi tép nhảy hết lúc nào không hay.

Mít trộn (hay còn gọi là Thấu mít)

Đây là món dân dã, dễ làm, dễ ăn. Nguyên liệu chủ yếu là trái mít non mà hầu như nhà nào ở vùng đất Quảng Trị này đều có trồng một vài cây ở trong vườn nhà. Để chế biến món ăn này cần: mít non, da heo, miến dong, đậu phụ chiên, đậu lạc rang, rau sống… Để làm được món này nên chọn quả mít đang còn non, gọt vỏ và cắt mít thành những múi nhỏ rồi ngâm nước cho bớt nhựa, sau đó, đem luộc chín, cắt nhỏ. Miến dong đem luộc chín, nhúng qua nước sôi để nguội, da heo luộc chín để nguội rồi thái sợi, đậu phụ chiên giòn cũng thái sợi.

Khi chuẩn bị xong các vật liệu,  phi hành tỏi rồi đổ lần lượt mít, da heo, đậu phụ vào, đảo tay liên tục cho các nguyên liệu quyện vào nhau, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bắc xuống bếp. Lúc này rải thêm một lớp miến dong lên trên  nồi mít thấu. Để thưởng thức, bạn cho mít thấu ra tô, thêm một nhúm miến dong, ít rau sống và chan nước xì dầu đã được nêm nếm, gia giảm gia vị phù hợp,  thêm một ít lạc rang xào dầu, một nhúm miến vàng chiên giòn vào nữa  là xong. Để đảm bảo yêu cầu thì mít, miến, da heo phải mềm nhưng không nát.

Bánh tày, bánh tét mặt trăng Đại An Khê

Đây là loại bánh chỉ có ở Làng Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị. Nguyên liệu chính của loại bánh này là nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ lợn. Loại bánh này có màu xanh rất đặc biệt, để có màu xanh đó thì gạo nếp được ngâm cùng với nước giã từ lá rau ngót. Ngoài nhiệm vụ nhuộm xanh cho bánh thì nước lá rau ngót còn làm cho bánh có mùi thơm, không bị ngán. Sau khi luộc xong, lát bánh được cắt ra khi dọn lên đĩa có hình thức rất đẹp, phần nếp nấu chín có màu xanh của lá, ở giữa phần nhân được làm bằng đậu xanh có hình mặt trăng. Với bề mặt tạo hình như vậy nên người dân ở đây đặt cho nó là Bánh tét mặt trăng. Ngày trước bành tét mặt trăng chỉ được làm trong các dịp lễ tết, ngày nay bánh được làm quanh năm mà vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người.

Cháo bột cá lóc

Đây có lẽ là món ăn có độ phủ rộng nhất ở tỉnh Quảng Trị, hầu như huyện nào trong tỉnh cũng có món này. Để làm món cháo bột này rất cầu kỳ, nguyên liệu chính là bột lọc, bột mỳ hoặc bột gạo được nhồi rồi cắt thành sợi nhỏ. Cá lóc đồng sau khi sơ chế, đem luộc vừa chín tới, sau đó lóc thịt cá ra khỏi xương. Phần xương và đầu cá đưa đi giã nhuyễn rồi chắt lấy nước và đun lên làm nước dùng. Thịt cá thì ướp gia vị, ném… rồi um lên. Bỏ bột lên nước dùng đang sôi, đợi sôi lại lần nữa rồi múc ra tô, gắp từng lát cá bỏ vào tô, thêm lá ném cắt nhỏ vào, ít ớt bột đã xào cùng dầu rồi đưa ra thưởng thức. Nhìn tô cháo bột rất hấp dẫn: khói nóng bốc lên, màu xanh của lá ném cắt mịn xen lẫn trong màu trắng của bột, của cá. Nếm thìa nước dùng ta phải xuýt xoa vì cái cay của ớt, của tiêu xen lẫn trong vị ngọt thanh của nước xương cá, bùi dai của bột và ngọt ngào của cá lóc đồng. Tất cả các giác quan đều được mở khi thưởng thức tô cháo bột cá lóc Quảng Trị. Ngoài ra, thay vì cá lóc người ta có thể nấu bằng các nguyên liệu khác để có món cháo bột vịt, cháo bột xương, cháo bột chả cua…

Bánh khoái: 

Bánh khoái là một trong những món ăn dân dã dễ làm nhưng rất hấp dẫn thực khách. Nguyên liệu chính của bánh khoái là bột gạo được xay nhuyễn cùng nước cho ra một thứ chất lỏng sền sệt, tôm, thịt ba chỉ, giá, trứng cút… Bánh khoái giống bánh xèo ở miền Nam nhưng bánh nhỏ hơn, vỏ bánh giòn hơn. Nước bột gạo được cho thêm trứng gà, lá hành cắt nhỏ, pha thêm ít bột nghệ và trộn đều tạo cho phần vỏ bánh có màu vàng bắt mắt. Quá trình làm bánh rất nhanh và đơn giản, lấy một thìa nước bột gạo đổ lên khuôn bánh đã được phết một lớp dầu ăn mỏng, khi phần vỏ bánh bắt đầu khô dần thì nhanh tay bỏ thêm tôm, thịt ba chỉ luộc hoặc thịt heo nướng, giá, trứng cút rồi đổ ra dĩa. Mỗi một cái bánh khoái nhỏ vừa bằng bàn tay. Bánh khoái được ăn kèm cùng với các loại rau sống, chuối chát, dưa leo, xoài xanh cắt lát tạo nên cái hồn của bánh khoái. Sau khi gắp một miếng bánh bỏ lên mặt của tấm bánh đa nem rồi tới lượt rau, thêm lát chuối chát, lát dưa leo, lát xoài xanh, cuộn tròn lại và chắm vào chén nước lèo sèn sệt. Loại nước lèo được chế biến từ ruốc, gan và nạc heo xay nhuyễn, lạc vừng giã nhỏ, tỏi, ớt bột… được nêm nếm khéo léo tạo nên phong vị của mỗi quán .

Bánh đúc rau câu (rong biển)

Là loại bánh dân dã nhưng không kém phần tinh tế. Vũng biển Cửa Tùng thuộc xã Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, Quảng Trị được thiên nhiên ưu đãi cho một loại rau câu ngon nhất và cũng là nguyên liệu chín để tạo ra món bánh rau câu này… Do đặc tính của cây rau câu là sống bám trên đá nên người dân phải đợi nước thủy triều rút hết mới có thể hái được rau câu. Khi hái về phải sơ chế thật kỹ rau câu vì nó bám rất nhiều đá, cát. Vì rau câu mọc ở biển, người làm bánh phải ngâm, rửa thật nhiều lần cho vị mặn giảm bớt. Nếu khâu sơ chế không làm kỹ sẽ cho nồi bánh rau câu không được ngon. Đun một nồi nước sôi, cho rau câu vào nấu cho đến khi rau câu chuyển thành màu xanh  và đặc quánh lại. Khi rau câu gần chín thì chuẩn bị khuôn để múc rau câu ra. Người dân ở đây làm  khuôn bằng loại lá mà họ gọi với cái tên là lá Bai. Rau câu được đổ nhẹ nhàng vào từng khuôn đã chuẩn bị sẵn, để vài phút bánh sẽ nguội và cứng lại. Bánh rau câu thường được ăn kèm với ruốc hoặc đường.

Bánh lọc:

Tôi thích gọi tên loại bánh này là bánh sắn, vì củ sắn (hay củ mỳ) tạo ra loại bột làm nên bánh này. Củ sắn sau khi được khai thác, đem vào máy xay nhuyễn cũng với nước sẽ cho ra một hỗn hợp xác và tinh bột sắn. Sau nhiều quá trình lọc, gạn, ta có được loại tinh bột sắn (hay bột lọc) trắng dẽo. Cách chế biến cũng thật cầu kỳ. Tinh bột sắn sau khi lọc xong vắt thành từng viên tròn cỡ bát ăn cơm rồi đem chần qua nước sôi cho chín lớp vỏ mỏng bên ngoài, bên trong vẫn còn sống là được. Đưa ra nhồi bột sống và chín cho quyện vào nhau là xong phần vỏ bánh. Đến phần nhân bánh, nguyên liệu chính của người Quảng Trị hay làm nhân là tôm và thịt ba chỉ. Chỉ cần bắc chảo dầu, phi thơm tỏi, hành rồi cho thịt ba chỉ hay tôm vào xào đều cùng gia vị. Thịt, tôm hơi săn lại thì bớt lửa chờ khô ráo ít nước thì đem xuống. Ngoài ra nhân bánh cũng có thể làm từ các nguyên liệu khác như thịt gà vằm nhỏ, thịt chim bồ cầu vằm nhỏ, lạc giã nhỏ trộn cùng mộc nhĩ hay đậu xanh… Người Quảng Trị thường làm bánh lọc bằng 2 hình thức là : Bánh lọc trần và bánh lọc gói lá chuối. Mỗi kiểu cho ra một hương vị khác nhau.

Rau liệt (hay xà lách xoong) 

Vùng trồng chủ yếu của loại rau này là vùng Hảo Sơn, xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị. Được xem là rau sạch vì giống rau này ko sử dụng phân bón hay các loại thuốc bảo vệ thực vật nào, chúng chỉ sống và tươi tốt dưới dòng nước chảy của các giếng nước cổ hàng ngàn năm tuổi của vùng Gio An. Do là rau sạch nên thường được dùng để chế biến làm rau sống hay trộn với thịt bò. Xà lách xoong trộn thịt bò là món ăn phổ biến nhất.  Nguyên liệu để chế biến món ăn này bao gồm rau Xà lách xoong, trứng gà, thịt bò, hành tây, ớt, tỏi, chanh, tiêu, dấm, đường, dầu ăn. Rau Xà lách xoong bỏ rễ, rửa sạch, để ráo nước. Thịt bò ướp đầy đủ gia vị và để thấm khoảng 10 – 15 phút. Trứng được luộc chín, tách vỏ và thái đôi hay thái khoanh. Đầu tiên, cho tỏi vào phi thơm cùng dầu ăn, bỏ bò đã ướp vào, để lửa lớn đến khi bò vừa chín tái là tắt bếp. Sắp Xà lách xoong ra đĩa, chan hỗn hợp đã trộn lên và đảo đều. Sau đó xếp thịt bò, hành tây, trứng luộc vào cùng, khi ăn trộn nhẹ nhàng lần nữa.

Nguồn: https://dulich.quangtri.gov.vn/


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays