Các vị thần trong tôn giáo của nền văn minh Ấn Độ (kỳ 2)
Hindu giáo là tôn giáo lớn nhất ở Ấn Độ và là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới với số lượng tín đồ đông đảo, chủ yếu tập trung ở Ấn Độ.
- Các vị thần trong tôn giáo của nền văn minh Ấn Độ (kỳ 4)
- Các vị thần trong tôn giáo của nền văn minh Ấn Độ (kỳ 3)
- Các vị thần trong tôn giáo của nền văn minh Ấn Độ (kỳ 1)
Trong lịch sử, Hindu giáo có quan hệ khá chặt chẽ đối với vương quốc Phù Nam và có ảnh hưởng lớn đến đối với quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với hệ thống các vị thần đa dạng cùng với những phong tục khá huyền bí, Hindu giáo vẫn luôn có sức hút với những người nghiên cứu văn minh khi tìm hiểu về quốc gia Ấn Độ này.
Các vị thần trong Hindu giáo (Ấn Độ giáo)
Hindu giáo (Hinduism – Ấn Độ giáo) – là tổng hòa các truyền thống, quan niệm và sùng bái tôn giáo được phát triển ở Hindustan, bắt đầu từ những năm TCN và sau công nguyên một chút. Từ Hinduism đối với Ấn Độ vốn không phải là quen thuộc. Nó được các nhà khoa học châu Âu đưa vào từ thế kỷ XVIII – XIX với mục đích tìm hiểu và sắp xếp cho có hệ thống một khối lượng đồ sộ các quan niệm tôn giáo đa dạng của Ấn Độ, tức là những quan niệm khác với cả Phật giáo lẫn Hồi giáo.
Chính những tín đồ Hindu giáo hay người Hindu thường tự xưng theo cách khác: họ là sivait (tôn thờ thần Shiva), visnuit (kính trọng thần Visnu), sactist (bắt nguồn từ gốc “sacti”, có nghĩa là năng lượng vũ trụ vĩnh cửu) hoặc những người nhiệt thành với lễ nghi sùng bái khác. Tóm lại, có thể nói, “Hindism” là một khái niệm mang tính khái quát. Nếu kết hợp các tôn giáo, chẳng hạn đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và đạo Hồi, có thể bổ sung thêm vào đó tác phẩm của Homer nữa, về phương diện tư tưởng, thì có thể hình dung một cách sơ bộ rằng, kết quả sẽ giống đạo Hindu. Nó bao hàm cả những tư duy triết học tinh tế, cả những tín ngưỡng mộc mạc, cả những lễ nghi phức tạp tới mức được bày đặt một cách tỉ mỉ, lẫn những thứ đồ hiến tế mang tính hoang dã, ghê sợ. Các tín đồ của nó gồm cả quần chúng ít học lẫn những người am hiểu các thánh kinh. Người tín đồ Hindu thường nói: Hindu giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là cách sống của họ [1].
Theo số lượng các tín đồ cũng như mức độ phổ biến của nó trên thế giới, đạo Hindu, có thể nói một cách không quá rằng, là một tôn giáo thế giới. Số tín đồ của đạo Hindu, cho đến nay có thể tính vào khoảng 800 triệu người, tức là chiếm 80% dân số Ấn Độ (con số này gấp hai mươi lần so với số lượng tín đồ của tôn giáo cổ nhất thế giới là đạo Phật). Nepal cũng là một quốc gia có số lượng tín đồ theo đạo Hindu rất đông. Nếu như trong một gia đình của tín đồ đạo Hindu có một đứa trẻ được sinh ra, thì nó được xem là tín đồ của đạo này ngay từ lúc mới sinh. Cụ thể mà nói thì cái tôn giáo và cái xã hội trong đạo Hindu luôn đan xen một cách chặt chẽ với nhau, không thể tách chúng ra khỏi nhau. Hindu giáo được duy trì bởi những truyền thống, tập tục có từ hàng thế kỷ xa xưa cũng như thể chế xã hội dựa trên hệ thống đẳng cấp.
Hindu giáo được hình thành dưới tác động của hai truyền thống, hay nói đúng hơn là của hai nhóm truyền thống. Một mặt, nguồn gốc của nó là tôn giáo Vệ đà. Mặt khác, nó chịu ảnh hưởng của nhiều tập tục sùng bái không phải của tộc người Arya. Các thần của những tập tục này được những nhà tư tế của Vệ đà thừa nhận. Sự xuất hiện của Hindu giáo trên nhiều phương diện đã làm cho nhu cầu về cảm xúc tôn giáo ngày càng tăng. Nhu cầu đó không thể được đáp ứng bằng những kinh sách về linh hồn thế giới (không nên lẫn lộn với sách của các nhà tư tế theo đạo Bà La Môn) mà ở đó, mô tả các thủ tục, lễ nghi phức tạp.
Nhiều thần của Vệ đà như Indra, Varuna, Soma trong Hindu giáo đã dần bị lu mờ. Tuy sự tôn kính các thần đó không bị mất đi hoàn toàn, song chúng đã buộc phải nhường vị trí hàng đầu cho một số thần mà trước đây vốn không có ý nghĩa, thậm chí không ai biết đến đối với truyền thống Vệ đà về các thần. Những thần nổi tiếng trong số đó là: Brahma, Vishnu, Shiva – Krisna, Sacti.
Thần Brahma
Brahma là một trong ba chủ thần lớn của Hindu giáo, được “Vãng Thế Thư” gọi là người sáng tạo ra thế giới. Truyền thuyết Brahma có bốn đầu bốn tay, từng sáng tạo ra Saravati làm vợ. Trong thần thoại Saravati là thần bảo hộ cho trí tuệ, văn nghệ và khoa học, tay cầm nhạc khí và sách lá bối, tràng hạt và hoa sen, thường cưỡi thiên nga hoặc chim công. Các tín đồ Hindu cho rằng, sau khi Brahma sáng tạo ra thế giới đã hoàn tất thiên chức của Người, Người đã lấy con gái mình làm vợ, đã phạm tội lớn là loạn luân, do vậy không được coi trọng. Hiện nay chỉ có ở Pusican còn một ngôi thần miếu sùng bái cúng thờ Brahma, thế nhưng sự sùng bái đối với Savarati thì rất phổ biến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gavin Flood, An Introduction to Hindusim, Cambridge University press, 1996.
2. PGS.TS Đặng Hữu Toàn (Chủ biên),Các nền văn hóa thế giới tập 1 – phương Đông, NXB Từ điển bách khoa, 2011.
3. Hoàng Tâm Xuyên (Chủ biên), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, NXB Chính trị quốc gia, 1999.
[1] Gavin Flood, An introduction to Hindism, Cambridge University press, 1996, trang 1.
Lê Ngọc – K. Sư phạm
Nguồn: http://enews.agu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=17670&Itemid=127
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759