Du lịch Ấn ĐộHiểu về thế giớiTôn giáo

Các vị thần trong tôn giáo của nền văn minh Ấn Độ (kỳ 1)

Share

Có thể nói, Ấn Độ là đất nước sản sinh ra nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Cũng chính vì vậy, nền văn minh Ấn Độ luôn gắn liền với tôn giáo.

Chứng minh cho điều đó là số lượng vật thiêng của một thánh địa – những ngôi đền, nơi thờ, biểu tượng của các thần, tính trường tồn của các truyền thống, tập tục, các cộng đồng tôn giáo và các hình thức thực hành tinh thần phong phú. Bên cạnh đó còn có khá nhiều ngày lễ tôn giáo, đó là những dịp mà người Ấn Độ yêu thích.

Thần miếu Ấn Độ nhiều vô kể và có tới hàng nghìn tên gọi. Việc xác định số lượng của thần miếu còn phức tạp ở chỗ, một thần có một số hoặc nhiều hình thức tự biểu hiện. Ở Ấn Độ có cả thuyết đa thần – politism lẫn độc thần – monotism. Do vậy, để làm rõ các hình thức tôn giáo trong tính đa dạng đó, cần có sự hiểu biết sâu sắc về hình ảnh và đặc điểm các vị thần trong tôn giáo Ấn Độ.


Du lịch, cho thuê xe tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://viettraveler.com.vn


 

Trong giới hạn bài viết sẽ giới thiệu về các vị thần Vệ đà và Hindu giáo.

1. Các thần Vệ đà (Veda)

Các văn bản cổ tìm được của người Indo – Arya có liên quan đến khái niệm “văn bản Vệ đà” được hình thành vào khoảng giữa thiên niên kỷ II đến thế kỷ IV TCN. Đó là bộ kinh Vệ đà bao gồm 4 samhita: Rigveda, Yadjurveda, Samaveda, Atharvaveda và một loạt các bài triết học tôn giáo kết hợp với nhau dưới tên gọi là Upanishad.

Vệ đà (có gốc trong động từ “vid” – có nghĩa là hiểu biết, nhìn thấy) – đó là tri thức thần thánh, có cơ sở xa xưa về sự cảm nhận thế giới đại đa số cư dân Ấn Độ.

Kinh Vệ Đà tiếng Phạn in trên giấy thế kỷ 19

Nguồn gốc cơ bản của tri thức về các thần Ấn Độ cổ đại là “Rigveda” được hình thành khoảng 1000 năm TCN. “Rigveda” gồm các bài tán ca tôn giáo (thánh ca). Nội dung của chúng là ngợi ca các thần và thể hiện khát vọng của tác giả bài ca – nhà thơ  – nhà thần học được thần khích lệ từ trên cao. Số lượng bài tán ca tới hơn 1000 được tập hợp thành mười cuốn sách. Rigveda là tác phẩm cổ nhất và có uy tín nhất của Ấn Độ. Cuốn sách này được viết bằng ngôn ngữ Vệ đà. Hình thức soạn thảo của Vệ đà do các nhà tư tế thực hiện bằng tiếng Sanskrit. Ngôn ngữ Sanskrit là nhân tố quan trọng tạo nên sự thống nhất về văn hóa ở Ấn Độ.

Số lượng các thần Vệ đà khó mà tính được một cách chính xác. Thông thường, người ta tính được khoảng 33 vị thần, nhưng có khi, được nhắc 333 vị, rồi 3339 vị (đều là những con số chia hết cho 3). Ngoài các thần đó, trong vạn thần miếu còn có các vị bán thần khác nhau, các vị tổ tiên và thần linh của con người. Thường thì chức năng của những sinh thể siêu nhiên đó được xếp chồng lên nhau mà ranh giới hoạt động của chúng thường bị xóa nhòa. Thậm chí, hình thể các thần cũng bị lu mờ, chỉ có những bộ phận riêng lẻ mới làm cho người ta biết đến chúng.

Các thần được gọi là deva – có nghĩa là “tỏa sáng”, “ánh sáng”. Tóm lại, về bản tính mà xét thì thần là ánh sáng và như vậy, có thể xem các thần là sinh thể tốt. Không phải ngẫu nhiên mà trong số đó, nhiều thần có liên quan đến mặt trời trong những biểu hiện khác nhau của nó.

            1.1 Thần Indra – thần sấm và mưa

Thần chính của vạn thần miếu Vệ đà là Indra – thần sấm và mưa, thần đem lại mùa màng và là người bảo trợ cho nghề trồng trọt. Hình tượng Indra có địa vị “quyền huynh, thế phụ” thể hiện ở sức mạnh và sự dữ tợn của người đàn ông và thường là người có tướng cao to, râu màu hung. Chiến tích của Indra là bắt được asura[1]Vitra – biểu tượng của sức mạnh hỗn loạn và mờ ám. Indra giết chết Vitra, giải phóng ra khỏi quyền năng của quỷ dữ các dòng sông tươi đẹp để cung cấp nước cho đồng ruộng. Indra được xem là người che chở cho các chiến binh: cầu vị thần này sẽ giành được chiến thắng. Nếu Indra chấp thuận lời cầu xin thì vị thần này sẽ đưa ra thứ vũ khí đáng sợ đó là “vadja – tia chớp, kim cương”. Đối với thứ vũ khí này thì không có gì thoát khỏi và kẻ thù của người cầu xin sẽ bị thất bại.

Indra còn có dấu hiệu của thần mùa màng: tính thô bạo, thích ăn và uống các loại nước trường sinh. Thêm nữa, ở vị thần này còn có cả tính ham  thích uống say vốn có ở cả những thần khác. Trong một tán ca có nói: Indra say, Agni say, tất cả các thần đều uống say.

            1.2 Thần lửa Agni

Agni – thần lửa, một vị thần trung gian giữa thế giới của thần và thế giới của người. Chức năng căn bản của Agni trong các bài tán ca là nghệ thuật. Nó dâng các đồ hiến tế trong lời ca của ngọn lửa cho các  thần. Agni được kính trọng như thần gia đình: sinh con nối dõi, đem lại sự thịnh vượng cho gia đình. Tuy Agni có liên quan gián tiếp đến lĩnh vực trần gian, nhưng vị thần này cũng xuất hiện cả trong lĩnh vực khác: trong bầu không khí, nó sinh ra tia chớp; trong bầu trời, nó như là mặt trời. Trên mặt đất, Agni hằng ngày được sinh ra bởi sự cọ xát của hai cây gậy bằng gỗ (arani), được xem là nguồn sinh ra nó. Agni đóng vai trò quan trọng trong lễ cưới và tang lễ. Vào ngày cưới, cô dâu và chú rể phải đi bảy vòng xung quanh bếp lò. Khi một người kết thúc cuộc đời của mình, những người ruột thịt đem xác họ đi thiêu.

            1.3 Thần Soma

Thần Soma – nguồn thức uống dùng để dâng cúng được chiết từ loại cây cùng tên với thần. Hiện nay, người ta không biết đó là loại cây gì, song tạm hiểu cây thuộc họ thông, có chứa chất ephedrine được dùng làm thảo dược. Soma được xem là thứ cây đứng đầu trong các loài thực vật, sau một thời gian dài, nó còn giữ chức năng thần mặt Trăng.

            1.4 Thần Savitar

Thần Savitar– người đánh thức, phát sinh phản ánh sức sống, sự sáng tạo của mặt Trời. Liên quan đến vị thần này là màu vàng: thần có tay, chân, tóc màu vàng và trang phục bằng vàng. Với bàn tay dài như tia sáng, thần Savitar vươn tới khắp mọi nơi trong bầu trời và thức tỉnh mọi sinh thể. Cho nên đến nay, người theo đạo Hindu chính thống khi thức dậy vào lúc bình minh đều đọc kinh “Savitar” dành cho vị thần này: Chúng con có ánh hào quang ước muốn của thần Savitar, cầu ngài nâng đỡ suy nghĩ của chúng con.

            1.5 Thần Varuna

Thần Varunanghiêm khắc là người bảo vệ luật Rita toàn năng của vũ trụ. Nhờ có luật Rita, các hiện tượng tự nhiên và đời sống của con người trong xã hội mới được điều chỉnh. Đứng trong cung điện bầu trời của mình, Varuna chú ý quan sát những gì xảy ra trong thế giới. Nó biết tất cả và nhìn thấy tất cả, không có gì lọt qua khỏi mắt nó. Với tư cách là quan tòa của bầu trời, Varuna nghiêm khắc trừng phạt những người vô trách nhiệm, có thói hư tật xấu. Tuy nhiên, nó cũng tỏa ra nhân hậu, sẵn sàng tha thứ cho những người phạm tội biết hối cải. Varuna đóng vai trò sáng tạo ra thế giới. Chẳng hạn, “nó củng cố hai thế giới riêng biệt đều vĩ đại. Trên cao, nó đụng chạm đến bầu trời… làm ra ánh sáng và soi sáng mặt đất”, “mặt trời còn có chỗ trên bầu trời”, “tạo ra dòng chảy của các con sông đổ về biển”, “nó làm cho cây trong rừng vươn lên không trung”. Sức mạnh toàn năng, bàn tay chinh phục của Varuna về một phương diện nào đó, đã làm cho nó gần gũi với Chúa trong kinh Cựu ước. Tuy nhiên, trong tính cách của nó, vẫn có một số nét độc ác, nửa thần là nửa quỷ. Nó thường tàn bạo, luôn sử dụng sức mạnh ma thuật vốn đặc trưng riêng cho nó như là ảo ảnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Gavin Flood(1996), An Introduction to Hindusim, Cambridge University press

2.PGS.TS Đặng Hữu Toàn (cb) (2011), Các nền văn hóa thế giới, tập 1 – phương Đông, Nxb Từ điển bách khoa.

3. Hoàng Tâm Xuyên (cb) (1999), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, NXB Chính trị quốc gia, 1999.


[1] Asura xuất phát từ gốc từ “asu” (sinh lực ma thuật đặc biệt). Asura tạo thành các bậc của những thần cổ mang tính độc ác. Thường thì chúng được mô tả như là loài rắn. Nếu deva thể hiện thế mạnh về trật tự và hài hòa, thì asura lại biểu thị cho một cái gì đó ghê sợ, hỗn loạn.

Lê Ngọc – K. Sư phạm

Nguồn: http://enews.agu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=17664&Itemid=127


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays