Chợ tình Khâu Vai, mỗi năm chỉ có một lần
Du lịch Hà Giang – Bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn đầy tính nhân văn, chợ tình Khâu Vai có nét đặc sắc, độc đáo riêng.
Trước kia chợ tình Khâu Vai thuần túy chỉ là nơi hò hẹn, tìm hiều, trải lòng của nam nữ với nhau, còn hôm nay chợ mang thêm cái không khí tất bật, náo nhiệt của một phiên chợ vùng cao, nhưng đâu đó người ta vẫn nhận ra được những ánh mắt kiếm tìm bạn tình trong văng vẳng tiếng kèn lá tỏ tình, than vãn của chàng trai với người tình của mình…
Chợ tình Khâu Vai nằm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 200km. Chợ tình này có lịch sử gần 100 tuổi (1919) và duy nhất họp một lần trong năm vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hằng năm. Nguồn gốc chợ bắt nguồn từ câu chuyên tình của chàng Ba, cô Út yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc. Chàng và nàng đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Mọi chuyện trở nên phức tạp khi hai gia đình, hai tộc người bỗng dưng mâu thuẫn và xảy ra xô xát vì mối tình của họ. Nhìn thấy cảnh đau lòng đó, chàng Ba và nàng Út quyết định chia tay để trở về làng… Ngày tháng trôi đi và không có lực cản nào ghìm được bước chân tình yêu của họ, một năm sau, vào ngày 27/3 họ đã tìm đến bên nhau, chỗ hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng… Dân làng hối hận và tiếc thương họ đã dựng hai miếu thờ là “miếu Bà” và “miếu Ông” ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình trai gái yêu nhau bất thành và lấy ngày này làm ngày họp chợ.
Chợ tình Khâu Vai ra đời như vậy và là một phiên chợ hẳn hoi, (khi trước không bán hàng hóa như bây giờ). Nam nữ đến chợ để đi chơi chợ, để những ánh mắt tìm nhau, để tay bắt mặt mừng, để thể hiện tình cảm của những đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Họ đến chợ chỉ để hát cho nhau nghe, kể những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa cách. Và tâm tình, ca hát hết đêm rồi đến hết ngày hôm sau cho thỏa nỗi lòng, để sau đó lại trở về với cuộc sống thực tại của mình.
Có thể thấy nét đẹp, nhân văn ở chợ tình Khâu Vai là không có cảnh ghen tuông, đố kị, nam nữ đến để đi chơi chợ và bày tỏ nỗi lòng với nhau bằng câu hát của những làn điệu dân ca mộc mạc, sâu lắng. Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Những người ở bản xa đến chợ từ chiều hôm trước, họ tìm đến ngủ trọ ở nhà người quen ở gần chợ, đôi bạn tìm thấy nhau có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, các loại bánh (tất cả đồ ăn, đồ uống được mang từ nhà đến chợ) tình cảm của họ hoàn toàn trong sáng.
Nếu một trong hai người có sự sàm sỡ thì người kia coi là bị xúc phạm, bị bạn tình coi thường, tình cảm sẽ bị rạn nứt và không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chiều ngày 27/3 chợ tan, đôi bạn tình bịn rịn chia tay hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau.
Đến chợ tình Khâu Vai, bạn có thể đi từ thị trấn Mèo Vạc huyện Mèo Vạc bằng xe máy, hoặc ô tô ngược qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù đến với Khâu Vai: Từ lâu đời cái xóm nhỏ heo hút ở vùng cao núi đá huyện Mèo Vạc mang tên Khâu Vai đã trở nên nhộn nhịp ý nghĩa ở vùng biên sơn cước heo hút này. Lễ hội chợ tình Khâu Vai sẽ gồm: phần Lễ, là nghi lễ dâng cúng lên Miếu Ông, Miếu Bà, hai nhân vật chính trong chuyện.
Nghi lễ này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhớ công lao những người đã có công khai thác vùng đất Khâu Vai. Tôn vinh sự thủy chung trong sáng của tình yêu đôi lứa. Chủ lễ là già làng trong xã cùng đại diện chính quyền dâng hương xin phép được tổ chức Lễ hội.
Phần Hội, được diễn ra sau khi lễ kết thúc, chủ lễ tuyên bố khai hội và lúc này các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được các thanh niên nam nữ cùng nhau trổ tài. Có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi chim Họa mi hót; Lễ dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; trò chơi dân gian như gánh nước bằng ống tre, leo cột, tung còn giao duyên, bịt mắt, ném Pao, đánh yến…; trưng bày gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và những nét đặc trưng văn hóa địa phương; các hoạt động cho du khách trải nghiệm, tham quan.
Năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ hội Chợ tình Khâu Vai từ 21/4 đến 23/4 (tức ngày 25-27/3 âm lịch). Năm nay chợ tình truyền thống lúc cao điểm sẽ diễn ra vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, một thời điểm thuận lợi để du lịch Hà Giang đón khách du lịch khắp nơi đổ về thưởng ngoạn phiên chợ độc đáo này. Theo ước tính sơ bộ của Du lịch Hà Giang thì trong năm 2016, Lễ hội chợ tình Khâu Vai đã thu hút tới 15 ngàn lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm, năm nay dự kiến số người về chơi chợ sẽ gấp đôi.
Được biết năm 2016 Du lịch Hà Giang đã đón và phục vụ 853.746 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 176.537 lượt khách. Dự kiến năm 2015 Du lịch Hà Giang sẽ đón 850 nghìn khách. Đây là một nỗ lực lớn của Đảng bộ, nhân dân Hà Giang khi biến vùng núi mênh mông là đá trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với các sản phẩm du lịch độc đáo có một không hai như Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú… và nhiều hoạt động sự kiện có ý nghĩa thiết thức khác để thu hút du khách đến với Hà Giang.
Có thể nói Hà Giang đã biết biến cái không thể, thành cái có thể trong bước đi đầy gian khó của mình ở vùng cao nguyên đá, vùng biên cương cực Bắc của Tổ quốc…
Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759