Sống +Tin du lịch

Người có biệt danh “Nữ hoàng triệu dặm”

Share

Trong 70 năm trị vì, cố Nữ hoàng Elizabeth II đã đến 117 quốc gia và được coi là một biểu tượng của du lịch, theo Insider.
Suốt triều đại của mình, việc đi lại các nước luôn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của nữ hoàng. Bà đã dành nhiều thập kỷ để khám phá từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, băng qua những miền đất cách Điện Buckingham hàng vạn dặm.

Vị quốc vương đi lại nhiều nhất

Nữ hoàng Elizabeth II có biệt danh là “nữ hoàng triệu dặm” bởi bà là vị quốc vương đến nhiều nước nhất từ trước đến nay. Bà đã đi qua ít nhất 1.032.513 dặm ở 117 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quãng đường này tương đương 42 hành trình đi hết chu vi Trái Đất.

Bà đã tới thăm mọi quốc gia trong Khối thịnh vượng chung, thực hiện 290 chuyến thăm cấp nhà nước từ năm 1952, khi triều đại của mình bắt đầu, theo thống kê của Cntraveller.


Du lịch, cho thuê xe tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://viettraveler.com.vn


 

Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip trên cánh đồng tại Balmoral, Scotland, 1972. Ảnh: Fox Photos/Getty Images.

Chuyến đi đầu tiên với tư cách nữ hoàng Anh là lần gặp ngài Philip Mitchell, Thống đốc Kenya, ngày 6/2/1952, sau khi bà nghe tin về cái chết của cha mình – Vua George VI.

Lần cuối cùng bà đi nước ngoài là tới Malta với Hoàng thân Philip năm 2015. Đây là nơi vợ chồng bà từng sống hạnh phúc trong những năm mới kết hôn.

Bà cũng thực hiện những chuyến đi mang tính lịch sử như việc trở thành quốc vương Anh đầu tiên đến thăm Trung Quốc năm 1986 và là người đầu tiên sau một thế kỷ tới thăm Cộng hòa Ireland vào năm 2011.

Nữ hoàng Elizabeth II luôn coi du lịch là một phần quan trọng trong triều đại của mình. Bà từng nói trong chương trình phát sóng đêm Giáng sinh năm 1953, được ghi lại ở Auckland, New Zealand:

“Tôi bắt đầu cuộc hành trình này để thấy được hiểu hơn về cuộc sống người dân và các quốc gia của khối thịnh vượng chung và đế chế này. Tôi muốn chứng tỏ rằng vương miện không chỉ đơn thuần là một biểu tượng của sự đoàn kết mà còn là sợi dây gắn kết giữa tôi và bạn”.

Nữ hoàng Elizabeth II tới kim tự tháp cổ trong chuyến thăm cấp nhà nước ở Mexico năm 1975. Ảnh: Serge Lemoine/Getty.

Có hãng hàng không riêng

Đối với một người đi chu du nhiều như nữ hoàng, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu bà có một hãng hàng không phục vụ riêng hoặc ít nhất là một đội máy bay chuyên dụng.

Hãng bay được thành lập như một đơn vị không quân hoàng gia vào năm 1936 dưới thời trị vì của Vua Edward VIII, ban đầu được gọi là “Chuyến bay của Vua” (The King’s Flight). Đội bay gồm những chiếc máy bay có nhiệm vụ vận chuyển các thành viên hoàng gia bằng đường hàng không trên chặng ngắn và chặng dài.

Hãng được đổi tên thành “Chuyến bay của Nữ hoàng” (The Queen’s Flight) khi bà lên ngôi năm 1952. The Queen’s Flight tiếp tục nhiệm vụ đưa bà đi khắp thế giới trên các máy bay dân dụng và trực thăng có in hình vương miện hoàng gia trên thân tàu bay, tới khi giải tán năm 1995.

Ngoài nhiệm vụ chuyên chở, đây còn là nơi huấn luyện bay cho các thành viên hoàng gia, trong đó có Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, người đã nhận bằng phi công vào năm 1959 và từng lái máy bay đưa vợ đi du lịch.

Nữ hoàng Elizabeth II rời Fiji trong chuyến công du hoàng gia của bà vào tháng 2 năm 1977. Hoàng tử Philip đứng sau lưng bà. Ảnh: Serge Lemoine/Getty.

Là người thích du lịch bền vững

Thường xuyên sử dụng máy bay để di chuyển nhưng đây không phải là phương tiện ưa thích của bà. Trên thực tế, nữ hoàng Anh đã không bay trong nhiều năm, từ chuyến công du cuối cùng đến Malta năm 2015.

Thời gian sau này, bà thích khám phá đất nước mình bằng tàu hỏa. Năm 2021, bà chọn đi tàu tới hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall thay vì di chuyển bằng máy bay riêng chỉ mất 20 phút.

Nữ hoàng cũng thích đi xe thân thiện với môi trường như: Range Rover hybrid, Renault Twizy, BMW i3, BMW hybrid 7-series và một chiếc xe van Nissan điện thường được sử dụng bởi đội làm vườn của cung điện Buckingham.

Bên cạnh đó, bà cũng thích đi du thuyền, trong đó có chiếc du thuyền Hoàng gia Britannia, nơi vợ chồng bà đã du ngoạn trong nhiều tháng vào những năm 1970.

Du thuyền được trang bị nhiều đồ gỗ, ghế bành, ghế sofa sang trọng. Trong suốt 40 năm, Britannia được chạy quãng đường hơn một triệu dặm và hoàn thành 968 chuyến trước khi ngừng hoạt động vào năm 1997. Hiện nó neo đậu tại Leith ở Edinburgh, thu hút hơn 300.000 khách du lịch mỗi năm.

Nữ hoàng Elizabeth II gặp gỡ đám đông trong chuyến công du hoàng gia của bà đến New Zealand năm1977. Ảnh: Serge Lemoine/Getty.

Có phong cách du lịch đặc biệt

Trang phục của Nữ hoàng Anh và thành viên hoàng gia trong mỗi chuyến đi đều yêu cầu khắt khe, tránh yếu tố nhạy cảm về văn hóa.

Nếu đi du lịch, bà sẽ thay trang phục ít nhất 3 lần mỗi ngày. Quần áo, phụ kiện của bà đều được đánh số và đóng gói trong những tủ thép, có bánh xe.

Ngoài ra, tủ đồ luôn có một trang phục đen hoàn toàn để đề phòng cho mục đích tang lễ. Việc này bắt nguồn từ chuyến đi đau buồn của bà năm 1952 tới Kenya, khi bà nhận tin cha qua đời. Vị tân nữ hoàng lúc đó chỉ chuẩn bị một chiếc váy hoa. Máy bay đã phải chờ ở đường băng London để người hầu mang tới cho bà một chiếc áo khoác đen để mặc.

Khi đi công du, Nữ hoàng Elizabeth II luôn chọn trang phục màu sắc tươi sáng, để tăng tính tin tưởng trong mắt người đối diện. Bà Angela Kelly, chuyên gia trang phục cao cấp của nữ hoàng, thường biết trước điểm đến của nữ hoàng Anh để chuẩn bị tư trang phù hợp với môi trường và văn hóa ở nơi đó.

Để đảm bảo không xảy ra sự cố, những dụng cụ đặc biệt được may vào gấu váy của nữ hoàng để tránh tình trạng váy bị bay trước gió.

Nữ hoàng trong chuyến thăm Blois ở Pháp. Ảnh: Tim Graham/Getty.

Nhiều nơi thành điểm đến nổi tiếng

Khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi năm 1952, hầu hết người dân Anh chưa từng ra nước ngoài du lịch. Họ ngắm nhìn thế giới bên ngoài qua những chuyến du lịch đặc biệt của bà.

Sau những năm 1960, sự ra đời của kỳ nghỉ trọn gói được xem là thời đại vàng của ngành du lịch. Bấy giờ đã có nhiều người hơn tiếp cận được các vùng đất xa xôi.

Các chuyến đi săn ở châu Phi, các chuyến đi thám hiểm vùng Caribe và các chuyến đi đến bãi biển của Brazil đều đã trở nên nổi tiếng sau khi được nữ hoàng ghé thăm.

Canada là nơi được bà tới thường xuyên nhất với 27 lần. Australia là quốc gia bà ở lại lưu trú lâu nhất. Hiện tại, 2 nước này vẫn là điểm đến phổ biến với những du khách Anh.

Biểu tượng du lịch

Ngoài các chuyến công du ở nước ngoài, cố nữ hoàng cũng giống như một biểu tượng du lịch trong chính ngôi nhà của mình. Người dân từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến Vương quốc Anh để chiêm ngưỡng Cung điện Buckingham. Nơi đây thường xuyên đón hơn nửa triệu người ghé tới vào dịp hè mỗi năm.

Những người sở hữu tấm vé đặc biệt sẽ có cơ hội tận mắt tham quan 19 phòng bên trong và ngắm khu vườn, nơi tổ chức các bữa tiệc ngoài trời nổi tiếng của bà.

Nghiên cứu của VisitBritain tiết lộ rằng hơn 60% khách nước ngoài đến Anh thường tới những địa điểm gắn liền với gia đình hoàng gia và gần 1/3 tổng số chuyến đi là để thăm các lâu đài hoặc công trình lịch sử.

Kể từ năm 2018, lâu đài Windsor và ngôi nhà Frogmore đã thực sự làm lu mờ Cung điện Buckingham về mức độ nổi tiếng, với gần 1,6 triệu người đến thăm mỗi năm.

Xu hướng này bắt đầu khi nữ hoàng quyết định sống tại lâu đài Windsor và không còn sử dụng cung điện Buckingham làm nơi ở toàn thời gian.

Theo Zingnews


Công ty Cà phê Thơm nhà sản xuất cà phê chất lượng cao, 100% cà phê rang mộc, không tẩm độn bất kì hương liệu nào. Cà phê luôn tươi mới (Rang tại xưởng khi có đơn hàng), Chuyển hàng toàn quốc. Tham khảo ngay: www.thomcoffee.com hoặc gọi: 0888.525759


 

Share
2024 © Five Seasons Holidays